T2, 06/07/2020 10:38

Khai thác thủy sản ven bờ: Cần giải nhanh bài toán khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Đánh bắt, khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhiều năm qua là vấn đề “nóng”. Người làm nghề này thường là dân di cư tự do, dân nghèo. Với gánh nặng mưu sinh, nên dù biết là vi phạm nhưng vẫn cứ tái phạm; ngành chức năng thì tuyên truyền, xử phạt. Và nó đang là một vòng luẩn quẩn, chưa có lời giải.

Cà Mau có bờ biển dài, nhiều cửa biển với nguồn lợi thuỷ sản phong phú. Nghề đánh bắt hải sản của tỉnh ngày càng phát triển hơn, số lượng ghe tàu đông, nhưng lượng ghe tàu lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại để đánh bắt xa bờ còn ít.

Vì thế, trong thời gian dài ngư dân Cà Mau đành chấp nhận khai thác ven bờ và các khu vực bãi bồi theo kiểu tận diệt nguồn lợi thuỷ sản.


Vì cơm áo… cạn tài nguyên

Vùng bãi ở biển Gò Công, xã Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, ban ngày thì nước ngập mênh mông nhưng về đêm thì rất sôi động. Cứ đêm đêm, hàng chục, thậm chí có lúc hàng trăm người ra đây mò cua, bắt ốc, sò huyết, mực…

Nhiều năm nay cuộc sống ở đây vẫn vậy, không mấy thay đổi. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì họ bỏ chạy, bị xử phạt thì vẫn nộp phạt rồi tiếp tục… trở lại bãi.

 

Tận thu các loài thuỷ sản khu vực bãi bồi làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Ông Nguyễn Văn Leo, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: “Việc khai thác thuỷ sản ở khu vực bãi bồi đã có từ rất lâu rồi, chủ yếu là người nghèo không có việc làm họ mới làm nghề bị Nhà nước cấm. Nhưng cấm thì họ vẫn âm thầm làm, nếu không làm thì lấy gì ăn. Vì thế, nhiều người vẫn lén lút mỗi đêm ra đó để mò cua, bắt ốc, đặt lú kiếm ăn”.

Khi nói về số lượng hải sản khai thác được mỗi đêm thì ông Leo ngậm ngùi: “Bây giờ nhiều người làm quá mà sản lượng thu được không còn được như trước, thậm chí không được 1/10 so với vài mươi năm trước đây”.

Anh Nguyễn Văn Hải, một trong những người làm nghề này, nói: “Tôi là từ Bạc Liêu tìm xuống đây, do không đất đai, cuộc sống khó khăn nên cũng theo mọi người bám bãi bồi kiếm ăn qua ngày. Khi nào có ghe mướn thì lại theo ghe đi biển, lúc không có việc thì ra mò tôm, cá khu vực này kiếm cái ăn”.

Không chỉ khu vực bãi bồi ở cửa biển Gò Công mà hầu hết các khu vực bãi bồi ven biển khác cũng gặp trường hợp tương tự. Tình trạng khai thác ven bờ trở thành một thách thức thực sự với chính quyền địa phương, các ngành chức năng.

Ngoài việc các xã cửa biển phải gánh một lượng lớn dân di cư tự do về kiếm sống bằng nghề biển thì họ còn phải căng sức ra để bảo vệ các khu vực bãi bồi, vùng tôm, cá ven bờ bởi sự khai thác ngày càng cạn kiệt của các đối tượng này.

Thực trạng khai thác, đánh bắt hải sản ven bờ gần như đã trở thành hình thức khai thác đặc thù của những địa phương có biển. Với chiếc xuồng có gắn máy nổ, ông Trần Văn Hận, ở khu tái định cư xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, cứ ngày ngày dông ra biển cách bờ chừng vài cây số hành nghề cào lưới bắt cá, mực… Với ông, hằng ngày kiếm được vài mươi ngàn đồng đã mừng. Tuy nhiên, trong số tiền ít ỏi đó thì có không biết bao nhiêu mầm giống đã bị tiêu diệt.

Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Nguyễn Minh Dân cho biết: “Dân hành nghề đánh bắt ven bờ chủ yếu là dân di cư tự do, không đất đai, không phương tiện sản xuất… Nếu xử phạt họ cũng không có tiền nộp phạt, còn tịch thu phương tiện hành nghề thì cùng đường làm ăn của họ.

Vấn đề là phải làm thế nào để có một chính sách thật hiệu quả từ các cấp có thẩm quyền. Xã cũng đã có các giải pháp như tạo điều kiện cho bà con học nghề, tạo công ăn việc làm, nhưng rõ ràng là chưa thật hiệu quả”.


Đừng để biển cạn tài nguyên

Cà Mau hiện có đội tàu khai thác thuỷ sản tăng đều hằng năm, đến nay có trên 4.000 chiếc. Trong đó, tàu nhỏ chiếm số lượng khá lớn nên tình trạng khai thác ven bờ là đáng báo động. Với lượng tàu cá lớn như vậy nhưng lại không có nhiều phương tiện có khả năng vươn khơi.

Bên cạnh đó là chưa có quy định cụ thể về mùa đánh bắt nên ngư dân cứ khai thác quanh năm thì nguồn hải sản cạn kiệt là không thể tránh khỏi. Đáng lưu ý là chế tài xử phạt cũng chưa thật sự mang tính răn đe.

Ông Phạm Thanh Hồng, Đội trưởng Đội Kiểm ngư Sông Đốc, cho biết: “Khi sản lượng hải sản đánh bắt ngày càng ít đi thì việc ngư dân chuyển sang khai thác theo kiểu tận diệt, kể cả khai thác ở vùng ven bờ là thực tế đã và đang diễn ra. Với việc khai thác tràn lan nhưng không bảo vệ, tái tạo lại nguồn giống hải sản thì chẳng bao lâu biển cũng cạn kiệt tài nguyên”.

Một ví vụ được ông Hồng chỉ ra, đó là một số nước trong khu vực đã đưa ra chính sách khai thác hợp lý với việc vừa khai thác vừa bảo vệ và có chế tài xử lý nghiêm ngặt nếu ngư dân vi phạm.

Vì thế, chỉ một thời gian sau, ngư trường của họ đã hồi phục và giờ thì ngư dân của ta lại đánh bắt lấn sang ngư trường của họ với sự gia tăng số vụ hằng năm.

Mặc dù các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân không vi phạm vùng biển các nước nhưng nhiều người vẫn bất chấp, bởi thực tế là ngư trường trong nước đã cạn kiệt dần nguồn tài nguyên.

Để khôi phục, phát triển được nguồn lợi hải sản Nhà nước cần sớm có giải pháp hiệu quả chứ không thể chỉ đưa ra chủ trương và tuyên truyền, bởi việc này gắn liền với cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào dân có được cuộc sống, việc làm ổn định và khi họ nhận thức được tầm quan trọng của biển ảnh hưởng trực tiếp đến họ thì lúc ấy mỗi người sẽ có hành động tích cực hơn.

Muốn làm được điều đó thì đòi hỏi Cà Mau phải phát triển được các dịch vụ hậu cần nghề cá xứng tầm với tiềm năng hiện có. Thực tế, là hầu hết các cửa biển lớn, kể cả Sông Đốc cũng không có được một trung tâm hậu cần nghề cá ổn định để tạo công ăn việc làm cho người dân vùng biển – những người sống dựa vào biển.

Đặng Duẩn

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!