(TSVN) – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đón niềm vui lớn khi lập kỷ lục mới trong năm 2022. “Trái ngọt” này có được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp của ngành logistics, với vai trò là nhân tố hỗ trợ tích cực cho dòng luân chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nỗi lo lớn của ngành logistics trong năm 2023. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) xung quanh câu chuyện logistics.
PV: Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi và thách thức của ngành logistics Việt Nam hiện nay?
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp: Ngành logistics Việt Nam có tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm 12 - 15%. Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều quan tâm đến phát triển logistics. Cụ thể là tại các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng như tại các nghị quyết của Bộ Chính trị gần đây về phát triển kinh tế xã hội Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đều đề cập đích danh đến việc phát triển logistics. Chính phủ vừa qua cũng đã ban hành Nghị định 96/2022/ND-CP giao Bộ Công thương là cơ quan quản lý Nhà nước về logistics.
Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp logistics có khả năng cung cấp các dịch vụ logistics (theo quy định của Nghị định 163/2017 có tổng cộng 17 loại dịch vụ thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics), trong số hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, giao nhận, logistics nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành logistics nước ta vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Có đến 90% là các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, quy mô trình độ chưa cao; mức độ số hóa, tự động hóa, trình độ áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị logistics chưa cao; chi phí logistics còn cao hơn so với khu vực và thế giới; hạ tầng phục vụ logistics chưa đồng bộ, còn thiếu kết nối tại các vùng kinh tế trọng điểm…
PV: Riêng với lĩnh vực thủy sản, nhiều ý kiến cho rằng, logistics trong lĩnh vực này còn “thiếu và yếu”, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp: Logistics cho thủy sản mang nhiều tính đặc thù, do đặc điểm của mặt hàng này đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn đặc biệt, vì liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và tính tuân thủ cao đối với các quy định khác nhau của các nước mà chúng ta xuất khẩu đến.
Hiện nay, khái niệm “Cold chain logistics - Chuỗi cung ứng logistics lạnh” đã trở nên phổ biến và phát triển tại các nước trên thế giới và khu vực, bao gồm Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp logistics đầu tư vào chuỗi cung ứng logistics lạnh, gồm hệ thống kho lạnh, xe giao hàng lạnh và các dịch vụ liên quan, điển hình như Công ty CP Transimex, ABA Cooltrans; đồng thời cũng có sự tham gia của cả những công ty logistics trong nước như AJ Total, Lineage… hoàn toàn đủ khả năng cung cấp dịch vụ logistics cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, hiện xuất khẩu thủy sản nước ta còn phụ thuộc lớn vào vận tải quốc tế đường không, đường biển, phụ thuộc vào các hãng tàu, hãng hàng không nước ngoài. Điều này khó có thể khắc phục được ngay, do năng lực vận chuyển các hãng hàng không, hãng tàu của Việt Nam còn yếu và chưa bao phủ được hết các khu vực trên thế giới, do xuất phát điểm của ngành vận tải, logistics của chúng ta còn thấp. Hiện nay, Chính phủ đang hỗ trợ cho đề án phát triển đội tàu Việt Nam, cũng như có nhiều hãng hàng không trong nước mới (ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines) ra đời và tham gia vào lĩnh vực vận tải hàng không như: Vietjet Air, Vietravel Airlines, Bamboo Airways cũng đã có nhiều tín hiệu đáng mừng.
PV: Hiện nay chi phí logistics cao vẫn là một trong những “bài toán” khó đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp: Những ngày cuối năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam lần đầu tiên chính thức đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Cộng đồng các doanh nghiệp logistics Việt Nam tự hào khi có đóng góp một phần vào thành tích này. Hiện nay, có thể nói các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống kho lạnh lưu trữ, hệ thống xe vận tải lạnh, vốn là một phần của logistics cho xuất khẩu thủy sản và hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên còn một phần quan trọng nữa trong xuất khẩu thủy sản là việc cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế, hàng không quốc tế còn yếu, nên ta phụ thuộc nhiều vào các hãng tàu biển nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài, do đó chi phí chưa chủ động.
PV: Vậy theo ông, cần những giải pháp gì để nâng cao năng lực cho hệ thống logistics đối với lĩnh vực thủy sản?
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp: Theo tôi, để nâng cao năng lực cho hệ thống logistics đối với lĩnh vực thủy sản, thứ nhất cần hoàn thiện hệ thống chuỗi logistics lạnh tại vùng nguyên liệu và chế biến, chính là khu vực ĐBSCL, bao gồm hệ thống kho lạnh, xe vận chuyển lạnh, các container lạnh đủ đáp ứng cho yêu cầu xuất khẩu. Thứ hai, hệ thống tàu/xà lan vận chuyển các container lạnh có thể kết nối nhanh với hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải. Thứ ba, mở các đường bay trực tiếp từ Sân bay Cần Thơ đi các nước trong khu vực, nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu vận chuyển các mặt hàng thủy sản tươi sống. Thứ tư, nâng cao năng lực vận tải container quốc tế, bằng cách phát triển đội tàu biển Việt Nam cùng với việc tăng cường vỏ container lạnh. Và cuối cùng, cần có định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nói chung, thủy sản nói riêng; đồng thời cũng cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Những ngày cuối năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam lần đầu tiên chính thức đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam tự hào khi có đóng góp một phần vào thành tích này”. - Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp
Hồng Thắm
(Thực hiện)