Các nhà khoa học từng tin rằng loài động vật chân đốt có tên là bò cạp biển (pterygotid eurypterids) là những kẻ săn mồi ưu việt tại các vùng biển nông.
Một nhà khoa học tại ĐH Yale ôm một mô hình bò cạp biển cổ đại – Ảnh: Yale News
Bò cạp biển cũng được coi là loài động vật chân đốt lớn nhất so với các loài cùng họ hàng với nó bao gồm cả những con tôm hùm ngày nay. Kích cỡ của bò cạp biển trung bình như một cây vợt tennis và toàn thân dài 2 m, được trang bị móng vuốt sắc bén.
Tuy nhiên, những bằng chứng mới cho thấy bò cạp biển cũng không đáng sợ lắm vì thị lực của chúng khá tệ.
Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khảo cổ học tại Đại học Yale đã xem xét lại con mắt của nhiều mẫu vật bò cạp biển và kết luận rằng sinh vật cổ đại này có khả năng thị lực nghèo nàn. Các lớp cấu trúc mắt của nó tương tự như mắt của loài cua móng ngựa ngày nay. Khả năng này chỉ đủ sức giúp nó nhìn quanh vùng biển về đêm để soi tìm những con mồi ốm yếu.
Phát hiện này được trình bày chi tiết trên số mới phát hành của tạp chí Biology Letters.
Hãng tin UPI dẫn lời Derek Briggs, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Yale, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích bò cạp biển ăn thịt nhiều loại mồi nhưng khái niệm tưởng tượng rằng nó có thể xơi tái bất kỳ cái gì mà nó có thể ăn được là cường điệu.
Bên cạnh thị lực kém thì các nhà nghiên cứu còn cho biết dù móng vuốt của bò cạp biển trông có vẻ dữ dằn nhưng lại điều khiển bởi phần cơ không đủ mạnh để tấn công các con mồi thân vỏ cứng. mà chỉ có thể bắt các con vật thân mềm đủ cho lực băm nhỏ mà thôi.