Cho rằng kết quả xét xử của 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án tàu vỏ thép nằm bở ở Quảng Nam chưa đảm bảo tính khách quan và chính xác nên mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp cao tại Đà Nẵng đã có văn bản kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2018/KDTM-PT ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh Quảng Nam.
Tàu vỏ thép của ông Liên phải nằm bờ một thời gian dài vì sự cố và kiện tụng
Hai bản án không đồng nhất
Đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hệ thống máy đẩy thủy và hợp đồng dịch vụ đóng tàu” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Liên (SN 1966, ngụ xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) với bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Liên Á (Hà Nội) và Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng).
Trước đó, ngày 18/9/2015, ông Liên và Công ty Bảo Duy ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép QNa 94679TS. Ngày 3/12/2015, ông Liên và Công ty Liên Á ký hợp đồng mua bán hệ thống đẩy thủy đồng bộ gồm động cơ diesel hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) và hộp giảm tốc đảo chiều do Hangzhou (Trung Quốc) sản xuất với giá 2,8 tỉ đồng.
Ông Liên đã trả cho Công ty Liên Á hơn 1,8 tỉ đồng. Đến 3/2016, tàu QNa 94679TS của ông Liên bị hư máy khi chuẩn bị chạy thử. Công ty Bảo Duy và Công ty CP Tập đoàn Liên Á đổ lỗi cho nhau nên ông Liên khởi kiện ra tòa.
Ngày 30/8/2017, TAND TP.Tam Kỳ đưa vụ việc ra xét xử và đi đến kết luận trong Bản án số 77/2017/DS-ST buộc Cty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Không đồng ý với quyết định này, phía Cty Bảo Duy đã kháng cáo và được TAND tỉnh Quảng Nam chấp nhận xử phúc thẩm vào ngày 30/1/2018.
Tại lần xét xử kháng cáo này, TAND tỉnh Quảng Nam chấp nhận kháng cáo của Cty Bảo Duy và buộc Công ty Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng.
Chờ quyết định giám đốc thẩm
Ông Liên mong sự việc sớm được giải quyết để có thể tiếp tục vươn khơi bám biển
Sau khi xem xét chi tiết nội dung của vụ việc, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, về vấn đề tố tụng, căn cứ vào Điều 39, Điều 40 Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn thì Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thụ lý giải quyết tranh chấp ở trên là không đúng thẩm quyền.
Về vấn đề nội dung, theo VKSND cấp cao, Bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Tam Kỳ dựa trên chứng thư giám định của Vinacontrol Đà Nẵng xác định nguyên nhân tổn thất là: “Lỗ thủng của bộ lọc dầu xảy ra trong khoảng thời gian sau khi kết thúc việc chạy thử ngày 28/3/2016” và “Sự cố máy chính ngừng hoạt động tối 29/3/2016 xảy ra do bộ lọc dầu bị thủng, dầu chảy ra ngoài gây giảm lưu lượng và áp lực dầu bôi trơn”.
Trong khi đó, bán án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam dựa trên kết luận giám định của Cty CP Giám định Thái Dương (SICO) về nguyên nhân tổn thất tàu cá, xác định nguyên nhân tổn thất máy chính là: “Chất lượng bôi trơn tại máy số 1 không đảm bảo dẫn đến tổn thất hư hỏng cho máy chính (lỗi chế tạo).
“Quá trình xét xử Tòa án cấp sơ thẩm lấy kết luận của Vinacontrol và Tòa án cấp phúc thẩm lấy kết luận của SICO là căn cứ để giải quyết vụ án là chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác. Vì SICO và Vinacontrol là 2 tổ chức kinh tế có chuyên môn giám định, kết luận của SICO khác với kết luận của Vinacontrol, sự kết luận khác biệt (mâu thuẫn) này chưa được giải quyết, cần tiếp tục thu thập thêm chứng cứ khác để kết luận nguyên nhân tổn thất”, VKSND cấp cao nhận xét.