Mùa mưa bão tới gần cũng là thời điểm tai nạn tàu cá gia tăng. Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác này vẫn còn nhiều bất cập.
Tàu gần bờ đánh bắt xa bờ
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 10.100 tàu cá các loại, tập trung chủ yếu ở những địa phương ven biển (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và Nha Trang). Trong đó, nghề lưới kéo có 1.240 tàu, lưới rê 3.144 tàu, lưới vây 1.812 tàu, nghề câu 1.695 tàu, các nghề khác hơn 2.200 tàu. Thống kê từ các địa phương, số tàu cá dưới 20CV có 6.202 tàu, từ 20 đến <50CV có 2.363 tàu, từ 50 đến < 90CV có 738 tàu, từ 90 đến 400CV có 742 tàu… Tàu cá của Khánh Hòa đa số là tàu nhỏ, vỏ gỗ, lắp máy cũ đã qua sử dụng, trang thiết bị khai thác và an toàn tàu cá còn thiếu và không đồng bộ. Theo đánh giá chung, tình trạng kỹ thuật của tàu cá Khánh Hòa chỉ đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng gió không quá cấp 4, 5, chạy trú ẩn cấp 6 và an toàn khi hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý. Tuy nhiên, điều bất cập thể hiện ở chỗ ngư dân có xu hướng vươn khơi trong khi tàu thuyền không đủ khả năng đáp ứng quy phạm an toàn so với điều kiện khai thác. Phần lớn tàu thuyền có công suất dưới 90CV vẫn tham gia đánh bắt xa bờ hơn 300 hải lý. Đây là vùng thường xuyên có giông bão, gió lốc; vì vậy, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Nhiều tàu cá không được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, các trang thiết bị phòng tránh bão hoặc trang bị theo kiểu đối phó với cơ quan quản lý, do đó không đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trong mùa mưa bão.
Trên thực tế, từ lâu, hầu hết ngư dân đi biển đều dựa vào kinh nghiệm để dự báo bão nên không chú trọng đến những thiết bị an toàn như: bộ đàm tầm xa, các loại đèn báo hiệu, cờ hiệu, định vị, hải đồ… mà chỉ trang bị những thiết bị thô sơ như: radio, bộ đàm tầm ngắn, la bàn. Chính vì vậy, khi có bão, nhiều tàu vẫn mải mê khai thác trên biển hoặc tránh sai hướng bão, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng hệ thống thông tin liên lạc giữa bờ và tàu cá trên biển không đồng bộ, chưa có chế độ thông tin bắt buộc. Vì vậy, việc nắm thông tin về tàu thuyền trên biển khi có bão hoàn toàn lệ thuộc vào ý thức của ngư dân. Điều này làm khó cho công tác kiểm soát số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp. Trong khi đó, khi có áp thấp, bão, việc thông tin qua các đài ICOM về tàu cá đang hoạt động trên biển còn khó khăn, thường chậm, thậm chí có nhiều trường hợp không liên lạc được…
Vào mùa mưa bão, nhiều tàu cá vẫn neo đậu trái phép dưới chân cầu Xóm Bóng.
Nhiều bất cập
Ngoài hạn chế về trình độ sử dụng các trang thiết bị an toàn tàu cá, ý thức chủ quan của ngư dân trong công tác phòng, chống lụt bão; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương đối với ngư dân khai thác hải sản chưa đồng bộ, chặt chẽ; việc kiểm soát người và tàu thuyền ra biển hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Những năm qua, vào mùa mưa bão, ngư dân bị thiệt hại về tài sản rất lớn, chủ yếu là tàu cá. Do tàu cá của ngư dân Khánh Hòa phần lớn là loại nhỏ nên khi đã neo đậu vẫn bị bão làm đắm hoặc va đập gây hư hại. Toàn tỉnh hiện có 10 điểm tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân như: Hòn Rớ, Vĩnh Trường, Đá Bạc, khu neo đậu Ninh Hải, vịnh Vân Phong… Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, nhiều ngư dân vẫn có thói quen neo đậu tàu tại các bãi ngang, cửa sông gần địa phương mà không vào điểm tránh trú bão theo quy định. Trong khi đó, một số khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão chưa đảm bảo các dịch vụ sinh hoạt đi kèm, không có dịch vụ ăn uống và nước ngọt dành cho ngư dân, việc canh giữ tàu khó khăn… nên ngư dân chưa mặn mà.
Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, nhất là mùa mưa bão, các ngành chức năng và địa phương có biển cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu thấy rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ đối với việc trang bị đầy đủ phương tiện an toàn cho người và tàu cá. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về việc chấp hành các quy định an toàn tàu cá, đồng thời có những biện pháp giải quyết tồn tại để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra.
>> Ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, các tàu cá khi ra vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chế độ khai báo, thông báo cụ thể ngư trường đang hoạt động, hô hiệu và tần số liên lạc của tàu cho cơ quan quản lý thủy sản; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển; kiên quyết không cho tàu ra khơi khi không có đầy đủ các trang thiết bị an toàn về người và tàu như: phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Khi có tai nạn hoặc có bão, các thuyền trưởng phải sử dụng những biện pháp cấp bách để đưa tàu cá của mình đến nơi an toàn; thông báo cho Đài Thông tin duyên hải, đồn biên phòng gần nhất về vị trí tàu cá của mình, số người trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết; có trách nhiệm ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn. |