T6, 08/12/2023 09:17

Khánh Hòa: Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 08/12/2023 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Thủy sản Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Tài trợ Nhỏ (UNDP/GEF-SGP), Sáng kiến Tài chính Đa dạng sinh học (BIOFIN) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức Đối thoại giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan với cộng đồng ngư dân và các hội đoàn thủy sản, nghề cá với chủ đề “Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm”.

“Đồng quản lý cần làm tới cùng”

Từ khoảng những năm 1990 đến nay, nhiều mô hình đồng quản lý (ĐQL) trong ngành Thủy sản của nước ta đã được triển khai áp dụng, thực hiện thí điểm thông qua các nguồn tài trợ từ ngân sách và các nguồn viện trợ quốc tế. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 200 mô hình ĐQL trong nghề cá đã được triển khai trên cả nước. Còn tại Khánh Hòa, từ năm 2015 – 2017 trong khuôn khổ dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) đã hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện và thành lập 15 mô hình ĐQL nghề cá ven bờ ở 15 xã, phường ven biển. Phần lớn các mô hình đều mang kết quả tích cực.

Ông Trần Đình Luân, Cục trường Cục Thuỷ sản giới thiệu mở đầu Đối thoại

Qua Đối thoại lần này, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn các đại biểu dành thời gian, sự hiểu biết, trí tuệ và tâm huyết chia sẻ những kinh nghiệm về thực hiện ĐQL, từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nhân rộng mô hình trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng như giúp cho tỉnh Khánh Hoà có thêm kinh nghiệm trong việc triển khai, quản lý dựa vào cộng đồng và phát triển thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm.

Gần 200 đại biểu tham dự Đối thoại

Nếu giai đoạn trước năm 2017, ĐQL trong thuỷ sản mới chỉ dừng ở các mô hình thử nghiệm thông qua hoạt động dự án và hầu hết đều không tiếp tục duy trì hoạt động khi dự án kết thúc thì giai đoạn sau năm 2017, ĐQL đã được Luật hoá, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện, mang lại kết quả tích cực từ việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tới giảm thiểu các hành vi vi phạm, phục hồi và phát triển, nguồn lợi thủy sản, cải thiện chất lượng môi trường và các hệ sinh thái biển, cải thiện sinh kế và tạo thu nhập cho nhiều cộng đồng ngư dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng quản lý

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, UNDP: Hiện cơ chế đó vẫn chưa thực hiện một cách sâu rộng, mạnh mẽ từ các địa phương và cộng đồng ngư dân. Nhiều cộng đồng còn e ngại thực hiện hoặc lúng túng trong việc triển khai áp dụng các quy định của pháp luật. Tính bền vững trong hoạt động của các tổ chức cộng đồng chưa ngang tầm và chưa cao.

Nhằm tăng tính bền vững, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền; tiếp tục phát triển nhân rộng ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bà Huyền cho rằng: Cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tầm quan trọng và kiến thức pháp luật ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các cấp chính quyền, người dân, các bên hưởng lợi; Nghiên cứu hoàn thiện hệ chính sách, khung pháp lý thực hiện để tạo sự công bằng cho người dân, các tổ chức cộng đồng tham gia, giao trách nhiệm phải đi đôi với lợi ích cụ thể; Chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, chứng nhận MSC cho nghề cá tại các khu vực đồng quản lý.

Thay đổi cách quản trị cảng cá

Hiện nay, nước ta đã quy hoạch khoảng 173 cảng/bến cá và khu neo đậu tránh trú bão, chưa kể các bến cóc nhỏ lẻ. Các cảng cá được chia ra thành 3 loại: I, II, III có mức đầu tư khác nhau và đều do các địa phương ven biển quản lý trực tiếp thông qua Ban quản lý cảng/bến và bằng nguồn đầu tư ngân sách của Nhà nước. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu phát triển ngành, các cảng/bến cá vẫn đang rơi vào tình trạng nhiều về số lượng, yếu về chất lượng. Công nghệ, trình độ quản trị/quản lý, điều kiện hạ tầng cơ sở, hệ thống bảo vệ môi trường cảng và vùng nước của cảng ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực và quốc tế.

Ngư dân nêu câu hỏi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi Đối thoại

Liên quan đến việc tiếp cận quản trị tốt cảng cá, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nêu dẫn chứng về mô hình ở Nhật Bản. Theo đó, Bộ Nông lâm Thủy sản nước này khuyến khích doanh nghiệp/ Hợp tác xã và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh. Nhà nước thường tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng cơ bản (thiết kế tổng thể, quy hoạch chi tiết từng hạng của cảng cá, xây dựng nhà điều hành trung tâm, hệ thống xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt từ tàu cá, cầu cảng, giao thông nội bộ và điện). Chính phủ Nhật Bản khuyến khích cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp đăng kí xây dựng hạ tầng trên chợ cá, lắp thiết bị và khai thác kinh doanh (giống NĐ 57 của Việt Nam nhưng Nhà nước xây dựng phần hạ tầng và thu hút cộng đồng tham gia trên hạ tầng sẵn có đó).

Theo ông Hải, mô hình này có thể áp dụng ở Việt Nam giúp ngư dân tăng “chất lượng sản phẩm”, tăng sơ chế và chế biến nhỏ; Gắn kết “cò, đầu nậu, thương lái” cùng hợp tác với Hợp tác xã và chính quyền.

Đối thoại mở hướng tới nghề cá bền vững

Sau phần tham luận của đại diện tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam điều hành, kết nối phần đối thoại giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu, các hội, đoàn trong việc thực hiện các giải pháp. Nội dung của đối thoại nhấn mạnh đến thúc đẩy, nhân rộng ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; vai trò của ngư dân, các hội đoàn, các bên liên quan khác trong quản trị cảng/bến cá ở nước ta trong thời gian tới.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội Thuỷ sản Việt Nam điều hành phiên đối thoại mở giữa Bộ trưởng và cộng đồng ngư dân

Cuộc đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, ngư dân hỏi, Bộ trường trả lời trực tiếp. Qua đó giúp ngư dân và các bên liên quan có cơ hội phản ánh thực tế nghề cá địa phương, chia sẻ các vướng mắc, tháo gỡ các nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp giúp Bộ NN&PTNT có thể nhân rộng mô hình ĐQL và quản trị/quản lý hiệu quả các cảng/bến cá ở nước ta trong tương lai.

Thông qua đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các địa phương, các tổ chức, nghiệp đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kiên trì tuyên truyền, lan tỏa để ngư dân hiểu và tham gia ĐQL; tiếp cận hướng quản trị/quản lý cảng cá mới, tích hợp công nghệ hiện đại, hướng đến phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!