Khánh Hòa: Cải tạo môi trường nhờ nuôi hải sâm cát

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại vùng nuôi ở thôn Tân Sơn 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hiện nhiều hộ đang thả nuôi hải sâm cát rất hiệu quả. Đây là đối tượng thủy sản dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnh, đặc biệt cải tạo môi trường rất tốt.

Nhiều vùng ao đìa ở khu vực Nam Trung bộ vốn thả tôm thẻ chân trắng, ốc hương kém hiệu quả, bỏ hoang đã chuyển sang nuôi hải sâm cát. Đây là các ao đìa vốn thả nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương. Tuy nhiên do quá trình dài thả nuôi đã khiến môi trường suy thoái, việc thả nuôi tôm thẻ, ốc hương không còn hiệu quả.

Điển hình là anh Võ Văn Thuấn, một người nuôi hải sâm cát ở thôn Tân Sơn 1 cho biết, gia đình anh đã chuyển nuôi hải sâm cát mấy năm nay. Ban đầu anh chỉ nuôi một ít diện tích thử nghiệm, thấy hiệu quả nên anh đã phát triển diện tích lên đến 2,5 ha.  

Hải sâm giúp cải tạo môi trường nuôi. Ảnh: ST

Qua nhiều năm nuôi hải sâm cát, anh thấy đối tượng này dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống trên 90%, đặc biệt cải tạo môi trường tốt. Vì vậy vùng nuôi nào môi trường suy thoái có thể thả đối tượng này, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa cải tạo môi trường. Với diện tích 5 ao (mỗi ao 5.000 m2), anh thả trung bình 5.000 con giống/ao, sau 6 – 8 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn nguyên con, tương đương từ 1 – 1,2 tấn đã sơ chế mổ ruột. Với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg (đã mổ ruột), sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lãi hàng trăm triệu đồng.

Ngoài việc nuôi, hiện anh Thuấn còn ương giống hải sâm cát để cung cấp cho các hộ nuôi xung quanh khi chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản quảng canh kém hiệu quả. Theo đó, anh Thuấn lấy nguồn giống từ Viện III với kích cỡ 2 – 3 phân, sau đó ương nuôi lên 5 – 7 phân để cung cấp cho người nuôi. Từ đó, người nuôi chỉ cần thả 2 – 3 tháng là có thể thu hoạch và có thể nuôi quanh năm. Được biết đến nay, tại khu vực thôn Tân Sơn 1 đã có hơn 15 ao, mỗi ao 5.000 m2 đang thả nuôi hải sâm cát. Hầu hết người nuôi nơi đây đều đánh giá nuôi hải sâm cát không chỉ có hiệu quả, mà còn giúp cải tạo môi trường ao nuôi rất tốt.

Theo Viện Nghiên cứu NTTS III, hiện các vùng nuôi từ tỉnh Bình Thuận đến Quảng Ngãi thả nuôi hải sâm sẽ rất hiệu quả. Bởi các vùng này có độ mặn, nhiệt độ ổn định, rất thích hợp cho hải sâm sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa tại miền Trung có nhiều diện tích đầm, vịnh kín gió nên hải sâm nuôi không bị trôi đi, ăn nhiều nên nuôi nhanh lớn.

Năm 2021, Viện III cùng Công ty CP Hải sâm Việt Nam cùng các hộ dân ở huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa đã xây dựng chuỗi liên kết hải sâm cát. Theo đó, Viện III cung cấp giống, hướng dẫn người dân nuôi hải sâm, sau đó doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm để phục vụ chế biến xuất khẩu sang các nước như Singapore, Trung Quốc…

Thái Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!