Khánh Hòa: Hiệu quả bước đầu nuôi thủy sản tại vùng biển hở

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức tổng kết mô hình nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau 1 năm triển khai thí điểm, mô hình đã thành công mở ra triển vọng về phát triển kinh tế biển trong tương lai.

Nước ta có hơn 1 triệu km² mặt nước biển, hơn 3.200 km bờ biển có lợi thế rất lớn phát triển nuôi biển. Đến năm 2024, sản lượng nuôi biển nước ta dự kiến đạt 850 ngàn tấn, vượt kế hoạch trước 1 năm. Tuy vậy, tỷ lệ nuôi thủ công rất nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro do ô nhiễm, hiệu quả kinh tế chưa cao. Tỉnh Khánh Hòa có lợi thế rất lớn với đường bờ biển hơn 380 km cũng như có các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biển được Trung ương cho phép thí điểm tại địa phương.

Riêng tại vịnh Cam Ranh, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh với hơn 100 ngàn lồng, của 2.000 hộ dân, chiếm hơn 500 héc ta mặt nước. Lồng bè dày đặc gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng luồng tuyến hàng hải. Gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá, tôm không còn hiệu quả vì dịch bệnh, ô nhiễm, tỷ lệ hao hụt cao. Việc thí điểm đưa cá, tôm ra vùng biển hở nuôi thành công là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi. Qua đó, giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Lồng nuôi vật liệu mới HDPE còn cho phép người nuôi ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, yên tâm trước rủi ro do thiên tai. Tuy vậy, hiện giá thành lồng nuôi, thiết bị còn cá khá cao, khiến người nuôi khó tiếp cận.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: VK-MH

Mô hình do Sở NN&PTNT Khánh Hòa triển khai, được Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup hỗ trợ lồng nuôi bằng vật liệu HDPE. Mô hình có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử… Mô hình có 10 hộ dân nuôi cá biển, tôm hùm ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tham gia. Các hộ nuôi bằng lồng nhựa HDPE tại vùng biển hở thay vì nuôi bằng lồng gỗ truyền thống tại vùng biển kín trong vịnh Cam Ranh như trước đây.

Kết quả, sau 1 năm triển khai, tất cả 10 hộ đã thu hoạch, năng suất, sản lượng, lợi nhuận mang lại cao hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống tại vùng biển kín. Tỷ suất lợi nhuận của hộ nuôi cá bớp đạt 172%, tôm hùm đạt 112% so với nuôi bằng lồng gỗ truyền thống tại vùng biển kín.

Tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi các nhà khoa học, các doanh nghiệp liên kết, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, phát triển công nghệ thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển, chế biến thủy sản. UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở NN&PTNT Khánh Hòa tham mưu một số chính sách để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản.

Bộ NN&PTNT đề nghị, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng mô hình này, thường xuyên quan trắc môi trường để tạo điều kiện cho vật nuôi phát triển tốt vừa gắn với bảo vệ môi trường nuôi.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!