Khánh Hòa: Mở rộng nuôi biển công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện tại, các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang thả giống cho vụ cuối năm, các giống được thả xen kẽ với các lồng hỗn hợp để đảm bảo kịp thời gian sau thu hoạch đợt 1 vào khoảng tháng 11 và đợt 2 vào trước Tết Nguyên đán năm sau.

Một số kết quả nổi bật

Trong quý III/2024, ngành khai thác thủy sản Khánh Hòa bước vào mùa vụ khai thác, đặc biệt là tôm biển nên nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu tôm hùm bông gặp khó khăn do phía Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nước ngoài, hạn chế nhập đường tiểu ngạch,…Đây là những yếu tố làm cho chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2024 giảm 0,33% so với quý II/2024 và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp tăng 0,75% so với quý II và tăng 5,58% so với cùng kỳ năm trước; riêng nhóm sản phẩm thủy sản giảm 1,3% so với quý II và giảm 6,14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9 vừa qua, tình hình thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) và áp thấp nhiệt đới, thời tiết biển thường xuyên có gió mạnh, sóng lớn, mưa dông nên nhiều tàu cá nằm bờ để tránh thua lỗ. Về nuôi trồng thủy sản, mặc dù diện tích nuôi trồng ngày càng thu hẹp do ô nhiễm nguồn nước và quy hoạch các dự án, tuy nhiên việc áp dụng hình thức nuôi siêu thâm canh tập trung kỹ thuật công nghệ cao trên tôm thẻ chân trắng và nuôi cá, tôm biển bằng lồng HDPE trên vùng biển mở đã cho năng suất, sản lượng cao.

Theo Cục Thống kê Khánh Hòa, tổng sản lượng thủy sản trong tính tháng 9/2024 ước được 8.924,2 tấn, giảm 2,18% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cá 7.354,8 tấn, giảm 4,88%; tôm 772,2 tấn, tăng 37,36% và thủy sản khác 797,2 tấn, giảm 3,75%. Trong tổng sản lượng thủy sản tháng 9/2024, khai thác được 7.038,2 tấn, giảm 5,05% so cùng kỳ năm trước (khai thác thủy sản biển 7.030 tấn, giảm 5,05%; khai thác thủy sản nội địa 8,2 tấn, giảm 3,63% do một số hồ, sông, suối, đầm đang trong tình trạng thiếu nước, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt nên sản lượng đánh bắt giảm).

Sản lượng thủy sản nuôi trồng được 1.886 tấn, tăng 10,27% (cá 980 tấn, giảm 4,3% chủ yếu giảm sản lượng cá chẽm của Công ty TNHH Australis do thị trường xuất khẩu tiêu thụ chậm, ít đơn hàng; tôm 671,3 tấn, tăng 45,21% do các hộ nuôi tôm hùm xanh ở Cam Ranh tập trung thu hoạch các lồng nuôi đã đến kỳ xuất bán, đồng thời, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng hình thức nuôi siêu thâm canh đã cho năng suất, sản lượng cao hơn; thủy sản khác 234,7 tấn, tăng 4,76%).

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản được 98.629,2 tấn, tăng 1,07% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng cá được 81.777,3 tấn, tăng 0,53%; tôm 7.261,1 tấn, tăng 25,33% và thủy sản khác 9.590,8 tấn, giảm 8,18%. Trong tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm nay, khai thác được 83.236,2 tấn, tăng 1,34% (khai thác thủy sản biển 83.145,5 tấn, tăng 1,34% và khai thác thủy sản nội địa 90,7 tấn, giảm 3,18%); sản lượng thủy sản nuôi trồng 15.393 tấn, giảm 0,39% (7.123,5 tấn cá, giảm 4,17%; 2.737,2 tấn thủy sản khác, giảm 22,71%; 5.532,3 tấn tôm, tăng 23,56%, trong đó tôm hùm 1.868,7 tấn tăng 19,39%).

Đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao 

Đáng chú ý, ngay từ tháng 5/2023, Khánh Hòa đã triển khai các mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Cam Ranh. Mô hình thí điểm này đã được triển khai trên thực tế, với 10 hộ dân nuôi biển trên địa bàn Cam Ranh được hỗ trợ tổng cộng 16 lồng tròn HDPE (thể tích một lồng là 800 m3) để nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi hai tầng) để nuôi tôm hùm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết: Sau một năm triển khai thí điểm nuôi biển công nghệ cao, năng suất, sản lượng, lợi nhuận đều vượt trội so với cách nuôi cũ. Đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái,…

Hiện nay, Sở NN&PTNT Khánh Hòa đang triển khai mở rộng ra các khu vực biển khác trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với ngành nghề khai thác hải sản, địa phương sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu lại đội tàu cá theo tổ đội và các vùng khai thác (ven bờ, vùng lộng và vùng khơi), cơ cấu lại lực lượng nghề khai thác theo hướng bền vững kinh tế biển. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thành xây dựng cảng cá Đá Bạc (TP Cam Ranh) thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Trường Sa. Để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững cho tương lai, Sở NN&PTNT Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn thành lập Tổ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017.

Minh Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!