Khánh Hòa: Nguồn cung tôm hùm thương phẩm không còn nhiều

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Khoảng 1 tháng trở lại đây, tình hình tiêu thụ tôm hùm ở các vùng nuôi được cải thiện, giá bán đã tăng trở lại. Tuy nhiên, lượng tôm thương phẩm trong dân không còn nhiều.

Theo thống kê của Trạm Thủy sản Cam Ranh, toàn TP Cam Ranh có khoảng 45.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó khoảng 95% nuôi tôm hùm xanh; khoảng 80% sản lượng tôm thịt trên địa bàn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 20% còn lại tiêu thụ nội địa. Liên tục trong 6 tháng đầu năm nay, khi thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt phương tiện vận chuyển các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này để kiểm soát dịch COVID-19, việc xuất khẩu tôm rất khó khăn. Chỉ khoảng 1 tháng trở lại đây, khi thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại mặt hàng này thì việc tiêu thụ của người dân mới thuận lợi hơn. Tuy giá tôm đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa cao.

Tôm hùm tăng giá nhưng nguồn cung không còn nhiều. Ảnh: Phạm Cường

Hàng năm, huyện Vạn Ninh có khoảng 34.000 lồng nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến đầu năm 2022, do đầu ra khó khăn nên người dân chỉ thả nuôi khoảng 11.000 lồng, trong đó có 70% nuôi tôm hùm bông. Với thời gian nuôi 12 – 13 tháng thì khoảng 2 tháng nữa thì lượng tôm thịt trên địa bàn mới bắt đầu có nhiều trở lại. 

Hơn nữa, đang là cao điểm mùa du lịch, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm cũng tăng cao nên việc tiêu thụ tôm hùm của người dân trên địa bàn huyện dễ dàng hơn, thương lái đã thu mua trở lại, giá tôm cũng bắt đầu tăng lên.

Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, tập trung thả nuôi ở 4 địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Hiện nay, toàn tỉnh có 63.421 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh; sản lượng đạt 1.087 tấn/năm. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ tôm hùm thay đổi khó lường, giá cả lên xuống thất thường. 80% tôm hùm nuôi từ vùng biển các tỉnh miền Trung đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, mỗi khi phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, tôm hùm lại gặp khó.

Để tôm hùm thương phẩm được tiêu thụ ổn định thì cần xuất khẩu theo đường chính ngạch. Vì vậy, người nuôi cần chú trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!