Dự kiến trong tháng 10-2024, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ lần thứ 5 đến Việt Nam kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Để góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh kiên quyết xử lý đến cùng các vi phạm, nỗ lực triển khai tốt công tác chống khai thác IUU.
Những năm qua, Khánh Hòa đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp mạnh chống khai thác IUU. Qua đó đã đạt nhiều kết quả tích cực, được nhiều đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, trong lần thứ 4 khi Đoàn thanh tra của EC đến kiểm tra tại tỉnh đã phát hiện, nghi ngờ một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vi phạm IUU. Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp về chống khai thác IUU do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh tập trung triển khai các biện pháp mạnh xử lý các vi phạm IUU nhằm góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Đối với kết quả công tác điều tra, xác minh liên quan đến hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác của 3 doanh nghiệp theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4, tỉnh đã có quyết định buộc Công ty TNHH T&H Nha Trang thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định với số tiền hơn 256 triệu đồng, Công ty TNHH T&H Nha Trang không còn hoạt động chế biến thủy sản để xuất khẩu đi các thị trường thế giới; UBND tỉnh đã có văn bản gửi tỉnh Bình Định đề nghị xử lý nghiêm hành vi xác nhận không đúng quy định về nguồn gốc thủy sản từ khai thác bốc dỡ tại Cảng cá Tam Quan, phía tỉnh Bình Định đã xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan. Đối với Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty TNHH Cát Tiên, các nguồn nguyên liệu cho các lô hàng cá kiếm có sản lượng cao bất thường là do Cảng cá Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) gom sản lượng khai thác của nhiều tàu cá vào 1 tàu cá để cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; UBND tỉnh đã có công văn gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho khởi tố 2 vụ việc đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Cảng cá Hưng Thái và Cảng cá Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền.
Ngư dân cập Cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) chuẩn bị đá lạnh cho chuyến vươn khơi khai thác thủy sản.
Đối với 2 tàu cá nhập khẩu, đến nay, tàu HAVUCO 01 đã được phá dỡ thành phế liệu, chủ tàu đã thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu cá này. Đối với tàu HAVUCO 02, đến nay đã xóa đăng ký và thực hiện xong thủ tục mua bán, thuộc tài sản của Công ty TNHH Thủy sản Sun Long của Tonga; Bộ NN-PTNT đang tiếp tục trao đổi với cơ quan thẩm quyền của Tonga đề nghị xem xét một cách kỹ lưỡng trong việc cấp giấy đăng ký mới cho tàu này mới được phép rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Bên cạnh xử lý đến cùng các vi phạm mà Đoàn thanh tra của EC đã chỉ ra, các vi phạm khác trong lĩnh vực thủy sản cũng được các lực lượng chức năng của tỉnh xử lý nghiêm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, lực lượng của Chi cục Thủy sản, Biên phòng và các địa phương đã thường xuyên phối hợp mở các đợt cao điểm để tuần tra, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác IUU trên các vùng biển: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh. Qua đó, đã phát hiện, xử phạt 14 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền hơn 180 triệu đồng.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn một số khó khăn liên quan đến công tác quản lý đội tàu. Cụ thể, toàn tỉnh có 122 tàu cá thường xuyên chuyển ngư trường, hoạt động ngoài tỉnh; 188 tàu cá ngừng dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT) để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác đang gặp một số khó khăn do phần mềm mới đưa vào ứng dụng, các tính năng còn chưa ổn định; ngư dân thao tác chưa thành thục, khai sai thông tin về loài, sản lượng; cơ sở dữ liệu tàu cá giữa thực tế và trên hệ thống chưa được đồng bộ, kịp thời; các tính năng của hệ thống hiện chưa đầy đủ để đáp ứng tất cả các khâu phát sinh thực tế trong quá trình chế biến xuất khẩu thủy sản, như: Mua bán qua nhiều khâu, sản phẩm đã chế biến ra nhiều thành phẩm…
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, để quản lý đội tàu thường xuyên chuyển ngư trường hoạt động ngoài tỉnh, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nắm bắt thông tin, khu vực hoạt động; các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên liên hệ với lực lượng chức năng tỉnh bạn để phối hợp quản lý hoạt động của các tàu này. Đối với những tàu cá ngừng dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, UBND các địa phương ven biển phối hợp với các đơn vị liên quan nắm chắc vị trí tàu cá ngừng sử dụng dịch vụ VMS, tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình; thường xuyên cập nhật vị trí hiện tại của các tàu cá, yêu cầu các chủ tàu cá không được hoạt động khai thác thủy sản khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về IUU. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang nỗ lực khắc phục các khó khăn để triển khai phần mềm eCDT.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trên hệ thống eCDT; có ý kiến đối với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khắc phục sự cố mất tín hiệu kết nối khi tàu cá khai thác trên biển, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong công tác xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối…
Hải Lăng
Nguồn: Báo Khánh Hòa