(TSVN) – Đoàn thanh tra của Ủy ban châu u (EC) sang Việt Nam làm việc và rất nhiều khả năng sẽ đến tỉnh Khánh Hòa kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về IUU. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đã và đang rất tích cực trong công tác triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNN Khánh Hòa cho biết, tỉnh có 3.199 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản. Tỉnh có 4 cảng cá và một khu neo đậu tránh trú bão. Toàn tỉnh có 57 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.
Nhằm khắc phục cảnh báo của EC trong thời gian qua, Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả tích cực.
Sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá được Ban quản lý các cảng cá kiểm soát. Ảnh: CT
Số liệu tàu cá được cập nhật đầy đủ trên phần mềm VN FishBase với tổng số tàu cá đăng ký là 3.199 chiếc, đã cấp phép khai thác thủy sản cho 3.184 chiếc (đạt 99,5%). Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 1.399 chiếc (đạt 100%); trong đó, tàu khai thác vùng lộng là 709 chiếc, tàu khai thác vùng khơi là 690 chiếc.
100% tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên trên địa bàn tỉnh đã được đánh dấu theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai lắp đặt được 675/690 (đạt 97,8%) thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá đến nay đã cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho 662/690 tàu cá, đạt 95,94%.
Kể từ tháng 10/2018 đến nay, không có tàu cá của tỉnh Khánh Hòa vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá được Ban quản lý các cảng cá xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình kiểm tra giám sát tàu cá xuất nhập cảng theo quy định. Các Ban quản lý cảng cá đã xây dựng quy trình kiểm tra tàu cá xuất, nhập cảng niêm yết tại cảng; 100% tàu cá cập, rời cảng thực hiện thông báo trước 1 giờ cho Ban quản lý cảng cá theo đúng quy định…
Về công tác đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC, tỉnh đã ban hành kế hoạch 7511. Căn cứ kế hoạch, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch đón và làm việc đoàn EC.
Phía Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn chủ động rà soát hồ sơ để làm việc với đoàn thanh tra EC. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản Vùng 3 tổ chức kiểm tra rà soát, hướng dẫn xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản tại các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Thực tế tại Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại như còn 14 tàu có chiều dài 15 m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 28 tàu chưa gia hạn, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều tàu cá tạm ngừng kế nối dịch vụ VMS gây khó khăn trong công tác quản lý. Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh lưu trữ chưa đồng bộ, chưa theo chuỗi hồ sơ…
Việc truy xuất theo chuỗi từ doanh nghiệp xuất khẩu đến công tác xác nhận, công tác kiểm soát tại cảng còn nhiều vấn đề tồn tại. Vì vậy, phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ xuất khẩu đi châu Âu của các doanh nghiệp từ năm 2021, 2022 với toàn bộ dữ liệu đầu vào của các cảng cá. Bên cạnh đó, tỉnh phải làm tốt khâu kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng được cấp phép trên địa bàn. Công tác thanh kiểm tra phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan với nhau.
Ngoài ra, công tác kiểm soát sản lượng qua cảng sẽ là một trong những nội dung sẽ được đoàn kiểm tra EC đề cập đến. Do đó, cơ quan chuyên mô phải nắm rõ cụ thể chi tiết về sản lượng qua cảng và không qua cảng, để thể hiện rõ vai trò giám sát cơ quan quản lý của cảng.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU. Tuy nhiên, tỉnh cần khắc phục những bất cập trong hoạt động quản lý khai thác, giám sát sản lượng, tổ chức theo chuỗi.
Vì vậy, tỉnh cần thực hiện giám sát thật chặt các tàu thuyền của địa phương; rà soát lại hồ sơ về tàu cá; tăng cường thanh tra, kiên quyết tàu nào không đủ điều kiện (chưa lắp giám sát hành trình, chưa có giấy phép khai thác…) thì không được tham gia đánh bắt. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường nhân lực để thực hiện công tác trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có thêm nguồn lực để giám sát sản lượng cá.
Để tiếp đoàn kiểm tra của EC, tỉnh Khánh Hòa phải nắm thật kỹ thông tin tàu cá của tỉnh, rà soát tỷ lệ tàu cá được cấp phép, danh sách tàu ra vào cảng; chuẩn bị thật kỹ các tài liệu kiểm chứng; thống nhất các số liệu liên quan giữa các đơn vị với nhau; các hoạt động diễn ra bình thường trong thời gian đoàn đến kiểm tra EC (nếu có)… Các vấn đề nhân lực và nguồn lực cho các hoạt động tại các cảng cá và chống khai thác IUU cũng cần được quan tâm.
Ngọc Diệp