Khánh Hòa: Tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại huyện Vạn Ninh, từ đầu năm đến nay liên tục xuất hiện tình trạng tôm hùm đang nuôi thì bị chết ở hai xã Vạn Hưng và Vạn Thạnh. Đặc biệt, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, khoảng 1 tháng trở lại đây thì tôm hùm bắt đầu chết nhiều, 1 ngày chết khoảng 3 – 30 con/hộ nuôi.

Chưa rõ nguyên nhân

Cụ thể, vùng xã Vạn Thạnh có khoảng trên 100 hộ nuôi có tôm chết rải rác, còn vùng xã Vạn Hưng khoảng 100 hộ thiệt hại. Thông tin từ các hộ nuôi bị thiệt hại, các dấu hiệu của tôm hùm chết là phần bụng có màu hồng trắng, tôm giảm ăn hoặc bỏ ăn, kém hoạt động, chậm chạp yếu dần rồi chết. Dựa trên các dấu hiệu trên tôm người nuôi nghi ngờ tôm hùm chết do bệnh sữa.

Người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên tôm hùm (Ảnh minh họa). Ảnh: Lữ Hồ

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã phối hợp cơ quan liên quan lấy mẫu tôm hùm tìm ký sinh trùng, vi khuẩn Vibrio spp. và soi tươi mẫu tôm hùm. Theo đó, tôm không có dấu hiệu đen mang. Kết quả phân tích không phát hiện ký sinh trùng, không phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang, cũng như tác nhân Ricketsia gây bệnh sữa trên tôm, nhưng có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio spp

Tuy nhiên, để xác định chính xác, ngày 16/4, Sở NN&PTNT Khánh Hòa phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III và UBND huyện Vạn Ninh tổ chức đoàn khảo sát để đánh giá cụ thể, tác nhân gây tôm hùm chết trên địa bàn 2 xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng. Theo đó, đoàn đã khảo sát thực tế tại một số hộ nuôi tôm hùm tại 2 xã; lấy mẫu nguồn nước, đo các chỉ tiêu môi trường khu vực xảy ra tôm hùm chết; điều tra thông tin dịch tễ vùng nuôi. Dự kiến kết quả sẽ được công bố vào ngày 20/4.

Tuân thủ khuyến cáo

Dự báo đến hết tháng 6, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến tảo nở hoa, làm ôxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.

 Do vậy, trước khi xác định được nguyên nhân chính xác, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên tôm hùm bông và các đối tượng thủy sản nuôi khác. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng/bè (khoảng 2 kg/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio spp; tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.

Nuôi đúng mật độ. Thực hiện san thưa mật độ tôm hùm trong lồng nuôi phù hợp với từng kích cỡ.

Các địa phương có tôm hùm bông chủ động xây dựng có phương án khi có thời tiết chuyển mùa, từ tháng 4 – 6 như che lưới trên bề mặt ô/lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; có biện pháp dự phòng khi tôm hùm nuôi thiếu ôxy cục bộ.

Thức ăn tươi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dùng trong nuôi trồng thủy sản, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3 – 5 mg/lít) trước khi cho tôm ăn. Đồng thời, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm hùm nuôi. Đặc biệt không sử dụng thức ăn hôi thối, cũng như cho ăn dư thừa gây lắng đọng chất thải và tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ cá thể yếu, vỏ lột xác và thức ăn dư thừa sau 2 đến 3 giờ cho ăn để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh, làm ô nhiễm cục bộ nền đáy và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. 

Theo Cục Thủy sản, kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy, nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm cao hơn so cùng kỳ năm trước. Thông số về môi trường cũng vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!