Khánh Hòa: Tổng sản lượng thủy sản đạt 125.750 tấn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, ước tính đến hết năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 125.750 tấn, tăng 4,3% so năm 2023.

Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 104.180 tấn, tăng 1,3% so với năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 22.570 tấn, tăng 21% so với năm trước.

Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực thủy sản, với diện tích tự nhiên 5.217,6 km2, 385 km đường bờ biển, hơn 200 đảo lớn nhỏ; khu vực ven bờ có 2 đầm và 3 vịnh nước sâu có giá trị lớn về mặt kinh tế, quốc phòng gồm: Vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.

Từ lâu, Khánh Hòa được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Hiện nay, đội tàu khai thác của tỉnh có hơn 3.400 chiếc, trong đó 643 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chuyên khai thác xa bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có 4.310 ha.

Nhiều mô hình nuôi biển công nghệ cao đã được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Nhân

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương ven biển. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người lao động vùng biển và hải đảo hoạt động nuôi trồng thủy sản đã đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thông qua công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công tác khuyến ngư, nhiều mô hình nuôi biển công nghệ cao đã được ứng dụng trên địa bàn tỉnh như: Lồng nuôi bằng vật liệu nhựa HDPE, máy đo môi trường tự động, máy cho ăn tự động, vệ sinh đầu dò tự động, hệ thống camera giám sát trong lồng nuôi,… đã giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế được rủi ro trong quá trình nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu vào sản xuất như: Tôm sú, cá mú, cá chẽm, rong sụn, ngọc trai, vẹm xanh, tu hài, ốc hương, cá chim vây vàng,… góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh; chủ động sản xuất được giống nhân tạo tôm sú, bào ngư, sò huyết, ốc hương, tu hài, cá chim vây vàng.

Về khai thác, địa phương tập trung hiện đại hóa đội tàu khai thác, những năm qua, tỉnh đã quyết liệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa đang định hướng để đưa ngành thủy sản phát triển một cách toàn diện, với mục tiêu đưa xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2045.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành thủy sản; hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, công nghệ nuôi,… để phát triển nhanh ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các nước để đưa đội tàu cá xa bờ của tỉnh đi khai thác hợp pháp ở các nước lân cận. Ngoài ra, có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân chuyển từ nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè gỗ truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE ứng dụng công nghệ cao.

Để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản, địa phương ưu tiên việc điều tra nguồn lợi thủy sản một cách chính xác, khoa học để sắp xếp lại đội tàu khai thác phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Song song đó, thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!