Khánh Hòa: “Tuấn khá” nuôi trai lãi khá

Chưa có đánh giá về bài viết

Trung bình mỗi tháng Nguyễn Văn Tuấn (xã Ninh ích, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang) xuất bán 7 – 8 tấn trai, với giá 17.000 đồng/kg, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Khi mặt trời chưa lên, Nguyễn Văn Tuấn đã bắt đầu công việc hằng ngày. Theo chân anh trên con tàu nhỏ, đi hơn 20 phút trên biển, tôi đến trang trại nuôi trai của anh đúng ngày đang thu hoạch đợt trai cuối tháng. Chỉ hơn 30 phút, công nhân đã thu hết 2 tấn trai. Năng suất như dự kiến, cộng với giá bán cao nên bội thu.

Tuấn khá nuôi trai

Anh Nguyễn Văn Tuấn nuôi trai theo hình thức xoay vòng nên tháng nào cũng được thu hoạch

Nguyễn Văn Tuấn kể, anh vào nghề nuôi tôm hùm từ năm 2003. Sau hơn 6 năm gắn bó với con tôm, đến khi phong trào nuôi tôm diễn ra ồ ạt mạnh ai nấy làm, anh chuyển sang nuôi hàu. Được vài năm, đang giai đoạn thị trường ổn định thì nguồn giống bị khan hiếm, đắt đỏ lâu lâu, nuôi con gì cũng không lãi. Với gia đình Nguyễn Văn Tuấn, lo nhất là không đủ tiền nuôi 3 con ăn học. Đang lúc khốn khó, anh phát hiện ra nghề nuôi trai đang rất phù hợp trên đầm Nha Phu. Đầu năm 2012, anh thử nuôi trên diện tích 2.000 m2, qua 7 tháng được trên 5 tấn trai, doanh thu 15 triệu đồng. Vụ nuôi tiếp theo, thêm diện 1.000 m2 nữa, cũng cho thu nhập tương đối ổn định. Có của ăn của để, anh sắm thêm một số thiết bị nuôi trồng mới. Hiện, anh đang nuôi theo hình thức xoay vòng trên nên tháng nào cũng cho thu hoạch. Trung bình mỗi tháng xuất bán 7 – 8 tấn trai, với giá bán 17.000 đồng/kg, doanh thu 20 triệu đồng/tháng; lãi hơn 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

 Anh Tuấn cho biết thêm, đầm Nha Phu nước êm mát, trai nhanh phát triển. Thức ăn của trai chủ yếu ngoài tự nhiên nên khi nuôi ít tốn chi phí. Trai phát triển nhất từ tháng 8 đến 12 âm lịch. Mật độ nuôi 4 m2/100 lồng, khoảng cách giữa các lồng 40 – 60 cm. Theo Nguyễn Văn Tuấn, cái khó nhất của nghề nuôi trai là thời tiết thay đổi sẽ ảnh hưởng đến phát triển của con trai, nếu không kịp thời xử lý thì trai chậm lớn và chết. Từng ô nuôi, anh đánh số để tiện chăm sóc và phòng bệnh. Vừa nuôi vừa học thêm kỹ thuật.

Trang trại nuôi trai của Nguyễn Văn Tuấn giải quyết việc làm cho 17 lao động, cho thu nhập 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng; đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Nha Phu. Dân ở đây gọi anh là “Tuấn khá”.  Ông Phạm Thúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết thêm: Hộ gia đình Nguyễn Văn trước đây là hộ khó khăn hàng đầu ở địa phương, giàu lên nhờ mạnh dạn chuyển đổi đối tượng thủy sản nuôi. Từ năm 2011 đến 2014, Nguyễn Văn Tuấn liên tục đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh đang được tỉnh đề nghị là Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. Cùng đó, anh Tuấn luôn đi đầu tham gia đóng góp Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ khuyến học của địa phương.

>> Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa: Thời gian qua, những tác động lớn từ việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác mang tính hủy diệt đã làm mất cân bằng sinh thái, mất nơi quần cư, sinh sản của các loài thủy sản. Triển khai các mô hình nuôi thủy sản như cách làm của anh Nguyễn Văn Tuấn sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

V. Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!