Lao động trực tiếp trên biển ngày càng ít, trong khi số lượng tàu thuyền ngày càng tăng, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm “bạn” đi biển, đây là một thực trạng đang xảy ra ở nhiều vùng biển trong tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tàu đỏ mắt tìm “bạn”
Sắm sửa cho chuyến ra khơi sắp tới, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, thế nhưng, anh Nguyễn Long – chủ tàu cá ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn phải chạy khắp nơi để tìm “bạn” (thuyền viên đi khai thác thủy sản) để đi biển. Gia đình anh có đôi tàu chuyên hành nghề giã cào, mỗi chuyến đi như thế cần ít nhất khoảng 12 lao động có kinh nghiệm. Cùng với 5 anh em, bà con trong nhà thì chuyến ra khơi sắp tới anh còn thiếu trên 7 lao động. Song mấy ngày qua, anh chạy khắp nơi để tìm “bạn” nhưng vẫn còn thiếu.
Trong tâm trạng bồn chồn vì thiếu “bạn” cho chuyến biển, anh Nguyễn Long nói như than: Mấy năm trước chẳng ai lo thiếu “bạn” thuyền vì thu nhập của anh em đi “bạn” rất khá. Nhưng bây giờ, đi biển hết sức khó khăn, tàu cá làm ăn ngày càng khó nên nhiều “bạn” đi quen trước đây đã chuyển nghề bờ sinh sống, hoặc đi “bạn” cho những tàu thuyền tỉnh khác có thu nhập cao hơn.
Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu lại chạy xuôi, chạy ngược tìm “bạn” đi biển
Vào mùa cao điểm khai thác thủy sản, các chủ tàu phải ngược xuôi để tìm kiếm “bạn”. Muốn có “bạn” đi biển, các chủ tàu phải thuê “bạn” từ các huyện khác, thậm chí là ở các tỉnh khác và những người không quen với nghề để đi biển.
“Gia đình tôi phải đi ra các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức… để tìm bạn, nhưng mới chỉ tìm được 2 người. Nếu mấy ngày nữa mà tìm không có “bạn” đi biển thì nguy cơ tàu nằm bờ là rất cao”- anh Long lo lắng.
Vừa nói, anh Long vừa chỉ những chiếc tàu đậu sát tàu của mình, cho hay: Những tàu này cũng trong tình cảnh như anh, đang trong mùa đánh bắt nhưng phải chấp nhận nằm bờ dù thời tiết khá thuận lợi.
Nhiều chủ tàu cũng than thở, nếu như trước đây “bạn” đi biển thường chủ động đến gặp chủ tàu để xin làm việc thì nay ngược lại, các chủ tàu phải lo đi tìm “bạn” cho những chuyến ra khơi.
Ngư dân Huỳnh Thanh Hải (46 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho hay: Nghề biển, ngoài những nỗi lo bão tố, gặp nạn trên biển, giá cả xăng dầu tăng cao… thì bây giờ nỗi lo lớn nhất là thiếu lao động”. “Tàu của tôi là tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương cần khoảng trên 12 người mới đủ số lượng lao động ra khơi. Phí tổn cho mỗi chuyến biển lên đến trên 200 triệu đồng. Nếu ra khơi trong điều kiện thiếu lao động thì sản lượng đánh bắt không đạt. Trong khi giá thủy hải sản bấp bênh nên chủ tàu sẽ bị lỗ vốn. Vì vậy, nếu không tìm đủ “bạn”, tàu sẽ tiếp tục nằm bờ”- ngư dân Huỳnh Thanh Hải phân tích.
Vất vả, thu nhập bấp bênh, khiến không ít ngư dân bỏ biển để làm những nghề khác thu nhập ổn định hơn.
Do cung không đủ cầu nên không ít trường hợp “bạn” đi biển “làm giá”, xin ứng tiền để giải quyết công việc gia đình, sau khi đi biển về trừ vào thu nhập, tất nhiên không có chủ tàu nào từ chối. Song, không ít trường hợp “bạn” đi biển ứng tiền trước rồi không đi, hoặc chuyển sang đi tàu khác, chủ tàu cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không thể bắt họ trả tiền lại, bởi chủ tàu và “bạn” chỉ nói miệng không có gì ràng buộc.
Thậm chí, không ít chủ tàu phải dở khóc dở cười khi nếm những “quả lừa”. Ngư dân Phan Văn Thập (35 tuổi) ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh kể: Mấy tháng trước có 2 thanh niên quê ở tận Quảng Bình đến xin đi biển, đang thiếu lao động nên có người đến xin đi, mình mừng thầm. Chuẩn bị ra khơi, 2 người này xin ứng trước 2 triệu đồng để mua vật dụng cá nhân. Để tạo niềm tin cho mình, 2 người này gửi lại ba lô để đi mua đồ, thế nhưng 2 người này lặn mất tăm không thấy về, mình sinh nghi, mở ba lô 2 người này ra xem thì thấy toàn quần áo rách, lúc này mới biết mình bị lừa.
Nghịch lý thừa và thiếu
Hiện nay nhiều địa phương sống bằng nghề biển trên địa bàn tỉnh đang từng bước phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ, với những con tàu lớn, được trang bị thiết bị đánh bắt hiện đại. Thế nhưng có một thực tế trong khi số lượng tàu thuyền tăng, thì số lượng lao động trực tiếp đánh bắt thủy trực tiếp ngày càng giảm. Thực trạng này càng làm cho các tàu cá thiếu lao động trầm trọng hơn.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phổ Thạnh – một trong những nơi có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất tỉnh, đến thời điểm này số tàu đánh bắt khai thác thủy sản đã con số 935 chiếc, trong đó trên 640 chiếc đánh bắt xa bờ. Điều này đồng nghĩa, nếu mỗi tàu cần khoảng 10 lao động thì lực lượng lao động trực tiếp trên biển để duy trì hoạt động nghề khai thác lên đến trên 9.000 người. Đây quả là một áp lực rất lớn đối với lao động tại chỗ.
Tàu thuyền ngày càng nhiều, trong khi đó số lao động trực tiếp trên biển ngày càng giảm.
Ông Phan Hiển – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh cho biết: Hoạt động đánh bắt hải sản trên biển ngày càng khó khăn hơn do chi phí tăng cao, nguồn lợi hải sản suy giảm. Trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển là nghề vất vả, phải chịu nhiều khổ cực, thiếu thốn, lại gặp nhiều rủi ro khiến nhiều “bạn” bỏ biển lên bờ mưu sinh. Cùng với đó, nhiều gia đình làm nghề biển cũng muốn cho con cái học hành đến nơi đến chốn để có công việc ổn định trên bờ, thay vì gắn bó với nghiệp biển. Do vậy, nguồn lao động làm nghề biển ở địa phương thiếu hụt, phần lớn chủ tàu đều phải tìm “bạn” là những người từ các địa phương khác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số địa phương có nghề đánh bắt hải sản thì số lượng lao động đi “bạn” trên tàu chủ yếu là người ở các địa phương khác, ngư dân địa phương phần lớn là chủ tàu, còn một số rất ít đi “bạn” làm thuê trên tàu.
“Tiền công của “bạn” đi biển thường phụ thuộc vào từng chuyến biển, trong khi đó lại không thể biết chuyến biển có thu được nhiều tiền hay không, thậm chí là không có thu nhập nếu thời tiết bất lợi, nên không ít người bỏ biển để làm nghề khác thu nhập ổn định hơn”- ngư dân Nguyễn Sang ở xã Bình Châu cho hay.
Điều đó dẫn đến một nghịch lý là, trong khi những tàu cá chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì chưa có đủ “bạn” đi biển, thì tại nhiều làng biển trong tỉnh lại có những lao động đang tìm kiếm việc làm.
Tôi muốn phụ tàu biển