T2, 06/07/2020 10:47

“Khát” lao động đi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Do thu nhập bấp bênh nên nhiều lao động (LĐ) đi biển đã bỏ nghề. Điều này khiến nhiều tàu phải nằm bờ.

Thiếu lao động

Tại cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang), hàng trăm chiếc tàu cá đủ các loại công suất của ngư dân trên địa bàn tỉnh đang nằm im ỉm. Trong số hàng trăm tàu đang neo đậu tại đây, chúng tôi thấy chỉ có một vài tàu đang chuẩn bị các dụng cụ thiết yếu để xuất bến. Ông Trịnh Xuân Đạm – chủ tàu cá tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) cho biết: “Năm ngoái, tàu của tôi có 10 LĐ; nhưng hiện nay, hơn một nửa bỏ việc. Tôi đã gọi điện cho nhiều LĐ quen biết và trực tiếp đến từng nhà để mời họ tham gia đánh bắt, nhưng tất cả đều lắc đầu”. Chính vì không tìm đủ LĐ nên chiếc tàu cá công suất hơn 400CV của ông Đạm chưa thể xuất bến.

Chiếc tàu cá KH-90918 với công suất 400CV của ông Huỳnh Mỹ (cảng cá Hòn Rớ) cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Mỹ cho biết: “Mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ cần khoảng 10 thuyền viên. LĐ trên tàu cá đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thạo nghề, có nhiều năm kinh nghiệm khai thác và bảo quản hải sản. Có được những LĐ như vậy mới đảm bảo cho một chuyến đi biển dài ngày. Do thiếu LĐ nên tàu của tôi đành phải nằm bờ”. Ông Mỹ lo ngại, nếu tàu cứ nằm bờ mãi, ngoài chuyện không có thu nhập thì các thiết bị máy móc, ngư lưới cụ cũng sẽ bị hư hỏng vì lâu ngày không hoạt động…

Do thiếu lao động đi biển nên nhiều tàu phải nằm bờ.

Nhiều LĐ đi biển cho biết, do thu nhập quá thấp nên họ không còn thiết tha bám trụ với các chủ tàu. Đây là điều bất đắc dĩ, không ngư dân nào muốn. Ông Mai Hữu Chiến – ngư dân tại phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) có hơn 10 năm đi biển cho biết, mùa biển vừa qua, thu nhập của ngư dân chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể có những tháng lênh đênh trên biển mà không dư được đồng nào sau khi chủ tàu trừ các chi phí. Theo ông Chiến, giữa LĐ và chủ tàu đã thỏa thuận mức ăn chia với nhau. Bởi thế, khi ra biển, tất cả LĐ trên thuyền đều phải làm việc cật lực, mong đánh bắt được nhiều hải sản để có thu nhập cao. Thế nhưng, do biển mất mùa, sức bỏ nhiều mà thu nhập thấp nên họ khó bám trụ với nghề. “Là LĐ chính trong gia đình có 4 miệng ăn, nhưng thu nhập của tôi chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, chạy ăn từng bữa đã khó, nói gì đến chuyện lo cho con học hành. Không đi biển, vợ chồng tôi vay mượn tiền làm nghề khác, tuy là kế sinh nhai tạm thời nhưng còn sướng hơn lênh đênh trên biển hàng chục ngày mỗi tháng” – ông Chiến chia sẻ.

Cần có chính sách cho lao động đi biển

Để có LĐ, nhiều chủ tàu đã đi khắp nơi tìm người, thậm chí có chủ tàu còn đặt cọc trước tiền từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người cho các LĐ đi biển. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều trường hợp người đi biển nhận tiền nhưng đến lúc xuất bến, họ lại không đi. Bà Trần Thị Hải – chủ tàu cá tại cảng Hòn Rớ cho biết, để đảm bảo đủ LĐ cho chuyến đi biển đầu năm, bà đã đưa trước cho mỗi LĐ hơn 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, đến ngày tàu chuẩn bị xuất bến, những LĐ đã nhận tiền đều không có mặt. Do đó, tàu cá của bà không thể ra khơi như dự định.

Hiện tại, “cơn khát” LĐ đi biển đang lan rộng ở nhiều vùng biển. Mỗi chuyến đi biển, chủ tàu bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho chi phí ban đầu; LĐ đi biển cũng mong đánh bắt được nhiều tôm, cá. Vậy nhưng, năm qua, do nghề biển thất bát nên nhiều ngư dân và chủ tàu đều lâm vào cảnh khó khăn. Theo nhiều ngư dân, cứ hễ thu nhập của các chuyến biển giảm sút là ngay lập tức bạn thuyền lại dịch chuyển đi nơi khác hoặc chuyển công việc.

Tiền công của LĐ đi biển thường phụ thuộc vào từng chuyến biển. Trong khi đó, các chủ tàu lại không thể đảm bảo mỗi chuyến biển đều có thu nhập ổn định cho các LĐ. Vì vậy, sợi dây liên kết giữa họ không bền vững; các chủ tàu cá khó giữ chân bạn thuyền. Theo ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mùa biển năm 2013 mất mùa nhất trong vòng 50 năm qua. Nhiều ngành khai thác hải sản truyền thống như nghề lưới đăng, sản lượng đánh bắt được chưa bằng 50% các năm trước. “Ngư dân là những LĐ đặc thù, chỉ sống được với nghề biển. Do đó, họ rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ từ Trung ương, địa phương để đầu tư hiện đại tàu cá. Từ đó, giúp ngư dân nâng sản lượng đánh bắt, nâng cao thu nhập, ổn định LĐ, yên tâm bám biển” – ông Lăng nói.

Lẽ ra, vào thời điểm này, các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã nối đuôi nhau xuất bến, vượt sóng đi đánh bắt hải sản ở các ngư trường; nhưng do thiếu LĐ nên nhiều tàu vẫn nằm bờ. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng những cơ chế, chính sách đối với LĐ đặc thù này.

Văn Nguyễn

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!