(TSVN) – Hiện là thời điểm thuận lợi để ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, thế nhưng, nhiều tàu cá ở các địa phương vẫn còn nằm bờ do chưa tìm đủ bạn tàu. Câu chuyện thiếu lao động tàu cá ngày càng trầm trọng có nguy cơ gây ra nhiều bất lợi trong thời gian tới.
Nhiều tàu cá nằm bờ do thiếu lao động đi biển (Ảnh minh họa). Ảnh: ST
Đang vào mùa đánh cá vụ Nam nhưng hiện có nhiều ngư dân ở các xã, phường ven biển tỉnh Hà Tĩnh phải cho tàu cá nằm bờ. Ngoài ngư trường sụt giảm nguồn lợi hải sản, giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao thì một trong những nguyên nhân chính khiến tàu cá phải “trùm mền”, nằm bờ là do chủ tàu không tìm được người lao động đi biển. Anh Trần Hữu Khánh (52 tuổi, trú thị trấn Lộc Hà) chủ tàu số hiệu HT 901118 TS công suất 100 CV theo nghề đi lặn than thở, đã chuẩn bị vào mùa đi lặn bắt ngao, sò, tôm, cua nhưng hiện anh vẫn chưa tìm đủ lao động đi cùng. “Tàu tôi cần 12 lao động đi cùng nhưng đến thời điểm này tại Hà Tĩnh chưa tìm được lao động nào. Tôi cũng đã liên hệ với một số nhân lực ở địa phương khác nhưng chỉ mới có 5 người nhận lời. Hy vọng sau những chuyến đầu thiếu lao động nhưng vẫn đạt hiệu quả để sau đó tiếp tục gọi bổ sung thêm người sẽ dễ hơn”, anh Khánh chia sẻ.
Theo anh Khánh, trước đây tại thị trấn Lộc Hà có đến hơn 100 ngư dân theo nghề đi lặn biển nhưng hiện nay hầu như không còn người đi lặn nữa. Lao động theo nghề lặn giờ tại Hà Tĩnh rất khó tìm, mà chủ yếu chỉ tìm được người ở miền Nam đồng hành cùng.
Theo ngành chức năng Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện nay có 2.716 tàu với gần 15.000 lao động theo nghề đánh bắt trên biển. Số lao động biến động liên tục và hiện tại địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động bởi lớp trẻ vùng biển lớn lên chủ yếu đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động mà không muốn theo nghề đi biển của cha ông. Do thiếu lao động nên hiện nay có một số tàu cá phải nằm bờ, hoặc ra khơi trong tình trạng thiếu nhân lực, lao động trên tàu nên đánh bắt hiệu quả chưa được như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, hiện tình hình lao động nghề biển đầu năm ở địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Việc thiếu hụt lao động đi biển khiến nhiều tàu cá nằm bờ, dẫn đến làm giảm sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản. Trước đây, Phú Thuận có 54 tàu cá xa bờ nhưng đến nay giảm còn 49 tàu, ngoài ra còn có 129 phương tiện ghe bãi ngang và thuyền hoạt động vùng đầm phá. Tất cả tàu cá trên cần khoảng 570 lao động đi biển nhưng vào dịp đầu năm bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn lợi thủy sản ở ngư trường truyền thống của ngư dân Phú Thuận ngày càng giảm nên nhiều tàu làm ăn không hiệu quả, không thu hút được lao động. Số người nằm trong độ tuổi lao động nghề biển chuyển sang làm các nghề khác hoặc đi nước ngoài làm ăn, sinh sống.
Ngư dân Ngô Đức Tật (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết, sau lễ xuất quân đánh cá vụ Nam vào đầu năm mới, đến nay tàu cá của gia đình ông phải neo đậu ở âu thuyền do chưa thể ra khơi. Mỗi tối, ông phải ra tàu ngủ để canh giữ máy móc, chống trộm cắp. “Mỗi chuyến biển tàu đi từ 10 đến 15 ngày, đánh bắt cách bờ 180 hải lý và ra đến ngư trường Hoàng Sa nên tàu phải cần đến hơn 10 lao động. Tuy nhiên từ sau Tết tới giờ, chúng tôi tìm đỏ mắt vẫn chưa đủ người đi biển”, hướng ánh mắt ra phía cửa biển, ông Tật buồn bã chia sẻ.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 2.400 tàu cá, cần tới hàng ngàn lao động để vươn khơi bám biển. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó có nguyên nhân tàu cá đánh bắt không hiệu quả, lao động nghề biển vất vả, nhiều lao động chuyển sang nghề khác. Hiện ngành thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế đang vận động bà con ngư dân cải hoán tàu thuyền, hiện đại hóa các khâu đánh bắt để nâng cao sản lượng, thu hút lao động đi biển.
Tình trạng thiếu lao động nghề biển tại một số địa phương xảy ra từ nhiều năm nay. Do thiếu hụt lao động nghề biển, nhiều chủ tàu phải giảm số lượng lao động trên tàu, dẫn đến tần suất khai thác hải sản giảm sau mỗi chuyến biển.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)