Khát vọng khơi xa…

Chưa có đánh giá về bài viết

Bên bờ biển rì rào sóng vỗ những ngày đầu xuân, các bô lão và đông đảo ngư dân làng chài Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), lại long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư như thường lệ. Bằng những nén nhang thơm thành kính dâng lên trời đất, “mẹ” biển, những lão ngư một đời sóng gió lại cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, thuyền bè đầy ắp cá tôm…

Cùng với lễ cầu ngư, hội vật của làng cũng được khai hội thu hút hàng trăm trai tráng thi thố tài năng trong không khí vui tươi. Hai lễ hội truyền thống này của làng Trung An đã được tổ chức từ thuở khai khẩn làng chài và duy trì hàng trăm năm nay.

Ngày vui của làng biển

Sau đợt mưa rét kéo dài, những ngày này tiết trời bắt đầu ấm lên khiến cho không khí lễ hội ở làng chài Trung An càng trở nên rộn rã. Từ tảng sáng, khi mặt đất còn đẫm sương đêm, các bô lão làng Trung An đã tề tựu đông đủ ở bờ biển. Nhiều người khác cũng đã mang các loại đồ thờ cúng chuẩn bị từ hôm trước băng trảng cát ra bờ biển. Khi mọi người đông đủ, lễ vật được bày biện đầy đủ thì cũng là lúc lễ cầu ngư được bắt đầu. Hương án hướng ra mặt biển nghi ngút khói hương. Ông Lê Văn Duy, Hội chủ làng và các vị trưởng tộc bắt đầu thành tâm làm lễ, khấn nguyện. Những ngư dân làng chài Trung An cũng đứng nghiêm trang, lặng lẽ nguyện cầu. 

 

Ngày hội của người dân làng chài Trung An.


Ông Lê Văn Duy cho biết: “Lễ cầu ngư của làng Trung An được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Ngư dân chúng tôi từ bao đời đều xem đây là nghi lễ trọng đại. Bởi nghề biển là sinh kế của người dân từ xưa đến nay. Năm vừa qua, nhờ mưa thuận gió hoà nên dân làng chúng tôi làm ăn cũng khá, vì vậy lễ cầu ngư năm nay được tổ chức quy mô hơn. Hi vọng sang năm mới này, “mẹ” biển sẽ tiếp tục phù trợ cho ngư dân chúng tôi nhiều lộc hơn nữa”.

Sau nghi lễ cầu ngư trước biển, hàng chục tàu thuyền của làng cắm cờ Tổ quốc đạp sóng ra khơi. Trong khi đó, những thuyền khác đi biển từ chiều hôm trước cũng rẽ sóng vào bờ khi mặt trời vừa lên. Trên bãi biển, những người phụ nữ có mặt chờ đợi thuyền về. Những chuyến tàu cá xa khơi đầu năm trở về với đầy ắp hải sản. Mọi người cùng nhau chuyển cá, tôm lên bờ.

“Từ sau tết đến nay chúng tôi đã đi được gần chục chuyến, bình quân mỗi chuyến thu được từ 6- 7 triệu đồng. Những năm gần đây nghề đi biển gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay khởi đầu như thế là khá thắng lợi. Mong rằng năm mới ngư dân chúng tôi sẽ khấm khá hơn”, anh Trần Minh Tăng, 45 tuổi, vừa khệ nệ bưng những rổ ghẹ đầy ắp vào bờ, vừa phấn khởi cho biết.

Cũng vừa trở về sau chuyến ra khơi tối hôm trước, thuyền của anh Hà Văn Phụng, 41 tuổi đầy ắp cá tôm. Anh Phụng có thâm niên theo nghề biển hơn 20 năm nay. Chuyến trở về này, thuyền anh Phụng thu được trên 10 triệu đồng, sau khi chia cho 3 bạn đi biển, anh còn lại gần 4 triệu đồng.

“Thu nhập như thế này là bình thường. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, có khi chỉ trong một đêm đánh bắt gần bờ chúng tôi kiếm được 15 triệu đồng. Nếu gặp ốc hương, cá hố, cá chai, mực nang lớn… thì có thể lãi hơn nhiều", anh Phụng phấn chấn nói.

Anh Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, toàn thôn Trung An hiện có khoảng 220 chiếc tàu, thuyền, chủ yếu là tàu đánh bắt gần bờ với trên 70% người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

“Có lúc khó có lúc thuận lợi nhưng chúng tôi luôn quý trọng và gắn bó với nghề đi biển. Hiện xã chúng tôi có 3 cơ sở thu mua hải sản các loại nên đã giải quyết được đầu ra cho bà con ngư dân. Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là có đội tàu đánh bắt xa bờ để có thể bám khơi lâu hơn, thu đượ c nhiều hải sản giá trị cao hơn”, anh Hiếu trăn trở .

Sức trai làng biển tranh tài

Các lão ngư ở làng chài Trung An kể hội vật truyền thống của làng có từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiến tranh nhưng dân làng vẫn gìn giữ hội vật như một nét văn hóa truyền thống của làng. “Hội vật thể hiện tinh thần thượng võ, là nơi thi thố sức khoẻ của trai tráng trong làng, thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu của người dân trong làng, trong xã. Đây cũng là dịp rèn luyện sức vóc dẻo dai nhằm phục vụ cho những chuyến ra khơi bám biển dài ngày…”, ông Lê Văn Duy, Hội chủ làng Trung An cho biết thêm.

Trên bãi cát trắng, sới vật chỉ là một khoảng đất được khoanh lại bằng những sợi dây thừng. Xung quanh là những lá cờ hội được dựng lên tung bay phấp phới. Trước khi khai mạc, hàng đoàn người từ các đường làng ngõ xóm ríu rít đổ về sới vật để xem và cổ vũ.

Ông Nguyễn Văn An, một lão ngư ở làng chài Trung An kể: “Hồi xưa, hội vật mang tính họ tộc rất rõ rệt. Thường người của họ này thi vật với họ khác, người trong cùng họ tộc không vật với nhau. Tuy nhiên càng về sau, hội vật được mở rộng, mọi người đều có quyền tham gia và không phân biệt họ tộc. Những năm gần đây, năm nào làng tôi cũng tổ chức hội vật và đều thu hút rất đông người đến xem, kể cả người từ nơi khác. Đối với người dân làng chài chúng tôi thì hội vật thật sự trở thành một ngày hội không thể thiếu mỗi dịp đầu năm mới”.

Nét độc đáo ở hội vật làng Trung An là ai cũng có thể thi đấu. Khởi đầu lên sới thi vật thường là những đô vật thiếu niên. Đô vật nào thắng thì tiếp tục ở lại và thách đấu những người trên khán đài. Cứ như vậy lứa tuổi đô vật tăng lên một cách liên tục cho đến lứa tuổi dưới 18 thì kết thúc phần thi vật của thiếu niên. Đến phần thi vật của thanh niên trai tráng thực sự mới là phần hấp dẫn. Những đô vật với thân hình vạm vỡ ra sức tranh tài trước sự cổ vũ hết mình của khán giả. Nếu đô vật nào thắng liên tiếp 4 đối thủ thì được chọn vào vòng bán kết. Khi đã đủ bốn đô vật vào bán kết thì sẽ được chia ra 2 cặp để thi đấu chọn vào chung kết. Hai đô vật thắng bán kết sẽ vào chung kết tranh nhất nhì, 2 đô vật còn lại đồng hạng ba .

Hội vật diễn ra sôi động ngay khi trọng tài vừa cất tiếng còi đầu tiên. Những thiếu niên làng biển so kè từng miếng vật gay cấn. Những miếng vật được các em thể hiện rất thuần thục. Có đô vật dù rất khoẻ nhưng chỉ cần sơ hở là bị đối thủ nhấc bổng lên rồi hạ gục cho “lấm lưng trắng bụng”.

Em Võ Công Thuỷ, 17 tuổi, đô vật thắng liên tiếp 3 đối thủ cho biết: “Em tham gia hội vật từ lúc 12 tuổi đến giờ. Được đấu vật em thấy rất vui và khoẻ khoắn. Đây cũng là dịp để em cọ xát và rèn luyện sức khoẻ để phục vụ tốt hơn cho việc học cũng như lao động giúp bố mẹ”.

Còn anh Trần Nhân Tú, một người dân địa phương tham gia cổ vũ hội vật, hào hứng cho biết: “Dù đi đâu, làm gì nhưng cứ đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm người dân chúng tôi đều cố gắng trở về quê để tham dự hội. Chúng tôi luôn cảm thấy rất phấn chấn và tự hào khi hoà vào không khí náo nức của hội vật truyền thống của làng”.

Ông Lê Anh Du, Phó Phòng VHTT huyện Hải Lăng cho biết: “Hội vật truyền thống làng Trung An, xã Hải Khê đã có từ lâu đời, có ý nghĩa nhân văn và được dân làng lưu giữ và phát huy rất tốt. Chúng tôi đánh giá cao về việc lễ hội được làng duy trì tổ chức hàng năm một cách trang trọng như vậy”.

Lê Đức Việt

Theo Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!