(TSVN) – Tháng 9/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 78 triệu USD, tăng 54% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 808 triệu USD, tăng 55% cùng kỳ. Thành công trong xuất khẩu cá ngừ cho thấy tiềm năng phát triển của mặt hàng này trong thời gian tới đây.
Mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam những tháng cuối năm 2022 có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn giữ ở mức tăng trưởng rất ấn tượng. Theo VASEP, trong 9 tháng năm 2022, top 6 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam gồm: Mỹ (405 triệu USD), Canada (43 triệu USD), Nhật Bản (31 triệu USD), Israel (26 triệu USD), Ả Rập Saudi (23 triệu USD), Thái Lan (20 triệu USD).
Xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 9 đạt trên 31 triệu USD, tăng 33% so cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang CPTPP trong tháng 9 tăng 95% so cùng kỳ, sang Ả Rập Saudi tăng 577%. Đặc biệt, xuất khẩu sang EU trong tháng 9 đạt gần 18 triệu USD, tăng 64% (cao hơn 27% so tháng 8/2022). Sản phẩm tăng trưởng chủ yếu là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 (xuất khẩu tăng 99% so 9 tháng đầu năm 2021).
Dự báo xuất khẩu cá ngừ có thể mang về 1 tỷ USD trong năm 2022. Ảnh: TTX
Tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới những tháng cuối năm đã và đang ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính trong tháng 9 đều đã tăng trưởng chậm lại (thấp hơn 15% so tháng 8/2022).
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản đạt 31 triệu USD, tăng 49% so cùng kỳ năm 2021, cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Một vị giám đốc chuyên kinh doanh với khách hàng Nhật Bản cho biết: “Đồng Yên Nhật mất giá, khiến xuất khẩu sang Nhật phải tính toán từng ngày. Chúng tôi phải rất thận trọng để đảm bảo an toàn trong kinh doanh”.
Tại thị trường Anh, về lợi thế thuế quan, thì FTA giữa Vương quốc Anh với Việt Nam có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA với EU, nghĩa là mức thuế đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc fillet sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%. Đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp – tỷ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế. Sau đó, mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng, mức thuế này sẽ giảm 3,5% mỗi năm. Với thỏa thuận này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng đang có lợi thế tại thị trường Anh. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tác động kép của đại dịch COVID-19, cộng với tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Anh. Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 40 năm qua và gần như cao nhất ở các nước châu Âu; điều này xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh vẫn khó có thể phục hồi.
Với việc đã đạt gần 808 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong trong 9 tháng, các chuyên gia đều dự báo mặt hàng cá ngừ có thể mang về 1 tỷ USD trong năm 2022. Những thành công trong xuất khẩu cá ngừ cũng giúp tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt con số 38% trong 9 tháng đầu năm 2022 và hướng đến con số kim ngạch đạt 10 tỷ USD trong năm 2022.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy), ước tính thủy sản Việt Nam chiếm hơn 7% thị phần trên thị trường thủy sản thế giới. Với việc cá ngừ tham gia vào đội ngũ “xuất khẩu tỷ USD”, vị thế ngành thủy sản Việt Nam ngày càng được khẳng định trên toàn thế giới. Lợi thế lớn của ngành chế biến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đó là có ngư trường rộng lớn, cá ngừ chất lượng cao, bên cạnh đó là đội ngũ đánh bắt hiện đại, các nhà máy chế biến xuất khẩu hiện đại. Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại, nhờ đó sản phẩm có sức cạnh tranh về giá cả, giúp dễ dàng thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới, từ đó đem đến cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm cá ngừ Việt Nam ngon và giá cả hợp lý. Cùng đó, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp cá ngừ chế biến đa dạng sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ loin/fillet đông lạnh và cá hộp sang các thị trường và linh hoạt theo xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn COVID-19 cũng như lạm phát…
Xuất khẩu cá ngừ những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức. Lạm phát có thể khiến việc tiêu thụ cá ngừ đóng hộp bị ảnh hưởng; khi đó châu Âu và nhiều khu vực khác sẽ chuyển sang nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu với giá rẻ. Tuy vậy, với lợi thuế về thuế quan tại châu Âu, cũng như sự ổn định tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản…, xuất khẩu cá ngừ chắc chắn vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm 2022.
Nguyễn Anh