(TSVN) – “Trong bối cảnh dư cung và giá tôm chạm đáy, việc giảm chi phí, bao gồm chi phí thức ăn, là mục tiêu hàng đầu của ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới”.
Đó là phát biểu của ông Olivier Decamp, Giám đốc ban R&D kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh trong lĩnh vực Y tế của công ty Nuôi trồng thủy sản INVE Thái Lan (trực thuộc Benchmark Genetics – đơn vị hàng đầu chuyên nghiên cứu về di truyền trong nuôi trồng thủy sản) tại hội nghị của Tổ chức Dầu cá, Bột cá thế giới (IFFO) diễn ra ở Cape Town, Nam Phi.
Hơn hai năm qua, giá tôm nguyên liệu giảm không phanh, nguyên nhân chủ yếu được cho là suy thoái kinh tế đã tác động đến nhu cầu thị trường. Cùng lúc đó, chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn và giá bột cá, dầu cá chạm đỉnh, khiến ngành nuôi trồng thủy sản rơi vào tình thế hết sức khó khăn.
Ecuador hiện là nguồn cung tôm lớn nhất thế giới, với sức sản xuất được cho là vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng. Theo sau Ecuador là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Các chuyên gia dự đoán cuối năm nay và qua năm tới, sản lượng tôm của Ecuador vẫn khá cao, ngoài ra Ấn Độ và Indonesia sẽ là nguồn cung tôm chủ yếu cho thế giới.
Ecuador được dự đoán vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất của thế giới trong năm 2024
Ông Decamp cho rằng các nhà sản xuất tôm ở Mỹ Latinh và châu Á đều đang có mối lo giống nhau. Nếu như trước kia, dịch bệnh do biến đổi khí hậu và giá cổng trại biến thiên tác động tới lợi nhuận là những vấn đề được đặt lên hàng đầu; thì nay chi phí đầu vào leo thang đang trở thành tâm điểm, gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất trong vấn đề duy trì lợi nhuận. Ông nhấn mạnh: việc đưa ra chiến lược sản xuất sinh lời đang trở thành một thách thức vô cùng lớn của ngành tôm toàn cầu, trong đó hệ số chuyển đổi thức ăn đóng vai trò quan trọng, quyết định khả năng sinh lời của hoạt động nuôi tôm.
Người nuôi tôm châu Á đang gánh trên vai áp lực vô cùng lớn, họ phải chiến đấu để đảm bảo chi phí sản xuất thấp hơn doanh thu. Gánh nặng này đã khiến nhiều người treo ao, tạm dừng sản xuất, hoặc tìm cách chuyển hướng nuôi trồng. Ngoài ra, ngành sản xuất và chế biến tôm ở châu Á không “vững chãi” như ở Mỹ Latinh, do đó khi chi phí tăng, châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Chi phí thức ăn hiện đang là vấn đề khiến người nuôi tôm đau đầu, bởi nó chiếm 50 – 60% tổng chi phí đầu vào. Để hỗ trợ người nuôi tôm cũng như thích nghi với bối cảnh hiện tại, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản cũng đang nghiên cứu và tính toán lại những thành phần thay thế và bổ sung. Bài toán tìm kiếm nguyên liệu thay thế bột cá đã trở thành thách thức không nhỏ bởi nguyên liệu thay thế này phải đảm bảo tỷ lệ protein và hàm lượng dinh dưỡng tương đương. Theo ông Decamp, nên tập trung vào gia tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận. Phương thức được ông đưa ra là áp dụng cách nuôi đặc biệt với công thức thức ăn phù hợp có chứa các nhóm lợi khuẩn, kết hợp với điều chỉnh thích nghi theo từng giai đoạn tăng trưởng của tôm. Song song với đó là áp dụng mật độ thả nuôi vừa phải, gia cố cơ sở nuôi tôm và có mục tiêu kích cỡ thu hoạch rõ ràng.
Ông Decamp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng ở tôm và vai trò của protein trong thức ăn. Ông lưu ý rằng nếu một lượng lớn protein không được tận dụng, không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường và kinh tế. Có một vài chiến lược giúp giảm chi phí sản xuất, bao gồm đàm phán để có được giá thức ăn ưu đãi, tối ưu giao thức cho ăn, ứng dụng phương pháp thân thiện môi trường để giảm thiểu tác động về sinh thái học. Ngoài ra, tăng hiệu quả nuôi bằng ứng dụng công nghệ và mô hình sản xuất phù hợp, ngoài ra lựa chọn nhà cung cấp con giống khỏe mạnh cũng vô cùng quan trọng. Theo ông Decamp, khó khăn của ngành công nghiệp nuôi tôm sẽ còn tiếp diễn ít nhất sáu tháng nữa, do đó các nhà sản xuất tôm cần tập trung vào tính hiệu quả thông qua các phương pháp cải tiến.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)