(Thủy sản Việt Nam) – Từ khi ngành nuôi, chế biến cá tra hình thành và phát triển đã trải qua không ít sóng gió trong vấn đề thiếu và thừa nguyên liệu. Hiện nay, không chỉ thị trường cá tra trong nước mà ngay cả các nhà chế biến, doanh nghiệp cá tra trên thị trường thế giới cũng đang “khốn đốn” vì thiếu nguyên liệu, nhà máy nằm chờ.
Đóng cửa, mất việc
Đây là tình trạng chung đang điễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến cá tra và công nhân do nguyên liệu không đủ cung cấp cho công suất hoạt động, buộc các doanh nghiệp và nhà máy phải cắt giảm và sa thải hàng loạt công nhân.
Tại Cụm công nghiệp Mỹ Quý, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, cảnh công nhân lũ lượt vào ca, tan ca không còn sôi động như trước. Tổng giám đốc Công ty CP An Xuyên, ông Nguyễn Trung Can cho biết, cá nguyên liệu khan hiếm, giá tăng quá cao lại rất khó mua. Tình hình đang hết sức căng thẳng, công nhân phải nghỉ việc liên tục. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Cụm công nghiệp Thốt Nốt và Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ.
Nguyên nhân của “bệnh” thiếu nguyên liệu này là do đâu? Và liệu tình trạng khan hiếm này còn kéo dài bao lâu? Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, đầu năm 2011, khi giá cá tăng thì thức ăn, thuốc men… cũng tăng theo. Điều này làm chi phí đầu tư nuôi cũng tăng so với trước. Nhiều người nuôi cạn vốn, lâm vào tình cảnh nợ nần, việc vay vốn ngân hàng lại gặp phải nhiều khó khăn nên nhiều người nuôi không thể tiếp tục đầu tư.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra trong 3 tháng qua được dự báo sẽ còn kéo dài
Bên cạnh đó, ông Ngô Phước Hậu, Ủy viên Ban chấp hành VASEP cho biết, người nuôi còn có tâm lý lo ngại về yếu tố thời tiết bất thường, nguồn nước không tốt sẽ làm cho cá bị bệnh, hao hụt dẫn đến bị lỗ, thế nên người nuôi e ngại việc tiếp tục nuôi. Do đó, tình trạng thiếu nguyên liệu trong 3 tháng nay sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Thị trường quốc tế “lao đao”
Không chỉ có thị trường nội địa, mà ngay cả thị trường thế giới cũng gặp nhiều biến động, vừa có những tín hiệu đáng mừng và đáng lo khi giá cá tra tiếp tục tăng mạnh và thiếu nguyên liệu đang diễn ra một cách trầm trọng.
Giám đốc chất lượng của Công ty nhập khẩu Seafood Connection Hà Lan, Klaas-Jan Mazereeuw cho biết, rất khó để đưa ra mức giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá cá tra vẫn có thể tăng dần từ thời điểm hiện nay cho đến Hội chợ Thủy sản Brussel và sau đó sẽ giữ ở mức ổn định. Chắc chắn giá cá tra không có khả năng sụt giảm.
Adriaan de Leeuw, Giám đốc điều hành của Antwerp, nhà nhập khẩu Solea International tại Bỉ khẳng định, giá cá tra sẽ tăng trong năm 2011. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi, nhà nhập khẩu và chế biến cá tra. Ông cũng cho biết thêm, những năm qua, tất cả những bộ phận sản xuất cá tra tại Việt Nam đều phải làm việc rất vất vả nhưng hầu như họ không thu được lợi nhuận. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao giá cá tra hiện thời đang tăng thay vì 3 hoặc 4 tháng trước đây.
Tuy nhiên, việc tăng giá cá tra cũng khiến nhiều nhà chế biến gặp phải khó khăn nhất định. Điển hình nhất là Công ty Heartland Catfish có trụ sở tại bang Mississippi, Mỹ sẽ tạm thời giảm công suất sản xuất và sa thải một số lao động trong 4 tháng tới vì nguyên liệu cá tra cung cấp không đủ cho công suất hoạt động của nhà máy. Giám đốc điều hành Công ty, Danny Walker cho biết toàn ngành đang phải đối mặt với sự thiếu hụt cá tra và chính điều này sẽ khiến nguồn cung cá da trơn luôn ở mức thấp cho tới tận giữa tháng 6.
Chỉ riêng ở Mississippi, bang dẫn đầu sản xuất cá da trơn của Mỹ, diện tích nuôi cá da trơn đã giảm khoảng 40% kể từ thời kỳ đỉnh điểm là 113.000 mẫu Anh vào năm 2002. Hiện nay, công suất chế biến của các nhà máy đang lớn hơn nhiều so với nguồn nguyên liệu. Điều này đã đẩy giá thành nguyên liệu tăng 20% trong 6 tháng qua. Đây là tín hiệu tích cực đối với người nuôi cá da trơn nội địa vì giúp họ vượt qua được mức giá thấp hơn từ cạnh tranh với nguồn cung cá tra nước ngoài, chủ yếu từ Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại chính là tín hiệu đáng lo lắng cho các nhà nhập khẩu cá tra Việt Nam trên đường ra thế giới.
“Thuốc” chữa “bệnh” thiếu, thừa nguyên liệu thủy sản của Việt Nam
Cần sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hoàn thiện thêm mối liên kết “bốn nhà”.
– Doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ;
– Nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng;
– Nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm;
– Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết.
Hồng Thắm
(Theo Fis, Seafood, The Fishsite)