Trong khi ngư trường lộng dần cạn kiệt nguồn lợi vì khai thác quá mức thì nguồn lao động nghề cá gần bờ rất khó chuyển dịch sang ngư trường khơi.
Ngư dân Quảng Nam đóng mới tàu công suất lớn, chuyển từ sản xuất ven bờ sang xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT
Nhiều cái khó
Thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy sản lượng hải sản được khai thác ven bờ “đóng góp” đến 50 nghìn tấn/năm, chiếm đến 70% tổng sản lượng hải sản của tỉnh. Hiện tại, số lượng phương tiện đánh bắt hải sản có công suất dưới 20CV của Quảng Nam chiếm đến 69%, tàu cá từ 90CV trở lên chỉ mới chiếm 8%. Ông Nguyễn Thanh Rân – cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, trên địa bàn có hơn 600 phương tiện hoạt động ven bờ với hơn 1.200 lao động. Rất khó giảm phương tiện và lao động sản xuất ở ngư trường này. Số lao động nghề lộng chủ yếu là người lớn tuổi, khó thích ứng với môi trường khai thác xa bờ. Thói quen sản xuất được chăng hay chớ đã ngấm sâu nên khó thay đổi. Theo ông Nguyễn Xuân Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, nhận thấy đánh bắt hải sản gần bờ tàn phá nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển, môi trường biển nên tuyên truyền ngư dân chuyển nghề, tuy nhiên kết quả thu được là rất hạn chế, không đáng kể nên cũng chưa có thống kê cụ thể. Trong khi đó, nhiều năm nay chưa thấy ngành chức năng nào vận động, đào tạo nghề, tập huấn, hỗ trợ ngư dân sản xuất ven bờ chuyển đổi sinh kế.
Hiện tại, các nghề cá xa bờ thiếu lao động trầm trọng, trong khi đó lao động nghề cá ven bờ lại thừa. Chúng tôi hỏi ngư dân có muốn chuyển từ sản xuất ven bờ sang xa bờ không thì hầu hết trả lời không. Nguyên nhân là sản xuất xa bờ bám biển quanh năm, thời tiết thất thường, có chuyến biển đạt chuyến biển thất bát nên ngại. Đối với số phương tiện dưới 20CV là quá nhỏ nên chỉ quanh quẩn sản xuất ven bờ. Còn đối với số phương tiện có công suất dưới 90CV thì rất khó tiếp cận cơ chế hỗ trợ vốn vay để cải hoán, nâng cấp tàu cá, chuyển đổi ngư trường xa bờ vì khó huy động được nguồn vốn lên đến cả tỷ đồng. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, chuyển đổi nghề, chuyển đổi ngư trường đã đặt ra cấp thiết đối với nghề cá Quảng Nam. Bởi vậy, ngành phối hợp chặt chẽ với Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam và các địa phương ven biển tuyên truyền ngư dân tiếp cận vốn vay không lãi suất để đóng mới tàu công suất lớn hoặc cải hoán nâng công suất vươn khơi bám biển. Số ngư dân tiếp cận cơ chế ưu đãi chưa nhiều, từ đầu năm đến nay, có 14 chủ tàu được phê duyệt vay vốn với tổng số tiền là 20,9 tỷ đồng, đã giải ngân 17,9 đồng.
Cần đào tạo nghề mới
Nhiều ngư dân ở TP.Hội An cũng đã không còn sản xuất ven bờ. Ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (Hội An) cho rằng, nghề cá trên địa bàn thiếu lao động, các chủ tàu có công suất lớn thu hút lao động ở nhiều địa phương khác. Còn những ngư dân đánh bắt cá nhỏ đã chuyển nghề sau khi bán phương tiện. “Có 2 giải pháp lớn đối với nghề cá địa phương, một là vươn khơi sản xuất xa bờ, còn lại là bán phương tiện nhỏ chuyển sang kinh doanh, làm dịch vụ, du lịch. Cơ cấu nghề trên địa bàn đã chuyển biến mạnh, sinh kế người dân ổn định hơn do thu nhập tăng lên” – ông Sỹ nói.
Theo quan sát của chúng tôi, ở huyện Thăng Bình cũng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nghề cá ven bờ. Ở các xã Bình Minh, Bình Dương, nhiều ngư dân đã bán phương tiện công suất nhỏ, chuyển từ nghề biển sang buôn bán nhỏ, công nhân và phục vụ du lịch. Ông Phan Thanh Vân – Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng, địa phương tạo điều kiện để ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề. Chưa có thống kê cụ thể về nhóm chuyển nghề này nhưng bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, Quảng Nam chưa có nhiều chuyển biến về chuyển dịch cơ cấu nghề cá ven bờ trong thời gian gần đây. Hiện tại, các tàu xa bờ khi xuất bến bắt buộc phải thực hiện thủ tục về thuyền trưởng, thuyền viên nên thống kê được lao động. Đối với các phương tiện công suất dưới 20CV đã giao quyền quản lý về địa phương, không thực hiện thủ tục xuất bến nên không thể thống kê cụ thể về lao động. Do đó, có bao nhiêu lao động sản xuất ven bờ, bao nhiêu lao động ven bờ đã chuyển nghề thì chưa thể thống kê được. Về giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ giúp ngư dân sản xuất ven bờ chuyển nghề thì sẽ phối hợp với ngành lao động điều tra, khảo sát, có giải pháp cụ thể.