Thông tin từ Phòng Kinh tế chuyên ngành – Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, khả năng hợp tác khai thác hải sản trên vùng biển các nước lân cận với nước ta đã được lãnh đạo tỉnh tính đến, song khó triển khai thực hiện do các nước này đều yêu cầu doanh nghiệp khai thác phải đầu tư xây dựng nhà máy, hoặc cam kết tiêu thụ hải sản tại chỗ, không được chở đi nơi khác hoặc chở về Việt Nam.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã tiếp xúc, trao đổi với một số nước trong khu vực như: MaLaysia, Philippin, Indonesia, Campuchia… về việc ký kết hợp đồng đưa tàu cá của ngư dân Kiên Giang sang khai thác hải sản, nhưng trên thực tế tàu cá của ngư dân ta vẫn tiếp tục bị các nước này bắt giữ. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, tỉnh Kiên Giang đã có 94 tàu cá bị các lực lượng nước ngoài bắt giữ, tăng tới 73 tàu so với năm 2010.
Thống kê gần đây nhất cho biết toàn tỉnh Kiên Giang hiện có tới 12.112 tàu cá các loại với tổng công suất trên 1,5 triệu CV, trong đó có 249 chiếc chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá, còn lại là tàu khai thác. Riêng từ đầu năm đến nay, tính bình quân mỗi tháng ngư dân Kiên Giang đầu tư đóng mới hoàn toàn khoảng 20 tàu đánh cá, chủ yếu là loại công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ.
Việc tàu cá ngư dân Kiên Giang tìm hướng khai thác hải sản sang vùng biển các nước láng giềng vì trữ lượng cá tại đây còn khá dồi dào, trong khi đó ngư trường trong nước gần như lâm vào tình trạng cạn kiệt bởi nạn khai thác theo kiểu tận diệt (sử dụng chất nổ, xung điện, hoá chất, khai thác gần bờ…) diễn ra khá phổ biến lâu nay.
Nam Phương
Theo Kiên Giang