Nhiều địa phương tiến hành tổ chức các mô hình tổ đoàn kết sản xuất, tổ hợp tác, mô hình tàu mẹ – tàu con… hỗ trợ nhau bám biển lâu dài, nhưng hầu như vẫn chưa đạt hiệu quả.
Vấn đề được nêu ra tại Hội thảo Nghiên cứu xây dựng mô hình dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ vùng biển miền Trung, do Viện nghiên cứu hải sản tổ chức, ngày 22/4.
Lắp đặt hệ thống định vị cho tàu hậu cần.
Thuyền trưởng Lê Văn Sang, tàu hậu cần DNA 90444 hoạt động được 10 tháng nay chia sẻ: Với đặc thù tàu hậu cần là phải chạy vận tốc lớn để kịp thời thu gom, tiếp ứng cho các tàu đánh bắt khác nên vấn đề đáng ngại nhất là nhiên liệu.
Ông Võ Khắc Én, Trưởng phòng quản lý Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: Tỉnh đã áp dụng mô hình tàu mẹ – tàu con vào khai thác và vận chuyển trong hoạt động đánh bắt ngư dân, song thất bại do gặp nhiều bất đồng về giá. Theo ông nên thành lập một hội đồng thẩm định về giá mới có thể duy trì được mô hình này, đồng nghĩa với việc giúp cho ngư dân bám biển lâu dài.
Bà Mai Kim Thy, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định: Toàn tỉnh hiện có 240 mô hình tổ đội với 800 tàu cá, nhưng vấn đề xây dựng tổ hợp tác hay áp dụng mô hình tàu mẹ – tàu con trong đó sẽ sử dụng các tàu hậu cần để thu gom và tiếp ứng nhiên liệu cho tàu xa là rất cần thiết.
“Nên xây dựng các Tổ hợp tác dựa trên nền tảng mối quan hệ gia đình, làng xóm tương trợ nhau, vận chuyển, cung cấp thông tin cứu nạn, thời tiết, bão lũ chứ không nên áp dụng cứng nhắc hay ràng buộc ngư dân về tài chính” – Bà Thy nói.
Ông Nguyễn Phi Toàn, Viện Nghiên cứu Hải sản đề xuất hai mô hình DVHCNC dạng luân phiên và tàu mẹ – tàu con nhằm liên kết các ngư dân, hỗ trợ nhau trong việc vận chuyển, tiếp nhiên liệu…nhằm giảm chi phí sản xuất, hạn chế thời gian, nhiên liệu, bảo quản sản phẩm. Song, theo đại diện các Chi cục Thủy sản các tỉnh miền Trung mô hình này vẫn hạn chế ở việc ràng buộc về mặt pháp lý và liên kết, tạo tin tưởng giữa các tàu cá đơn lẻ.