Khoác “áo mới” cho cá tra Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam đang cạnh tranh chủ yếu về giá. Đã đến lúc cần một chiến lược mới để cải thiện chất lượng, nâng cao giá bán và hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cạnh tranh về chất lượng

Cá tra được xem là một giải pháp lấp đầy sự thiếu hụt protein khi dân số thế giới ngày càng tăng nhanh bởi những tác động tiêu cực của loài này đối với môi trường thấp hơn những loài khác. Nhưng chính những ưu điểm vốn có đó, cộng với việc các DN Việt Nam luôn tìm cách giảm giá bán khi “khai phá” thị trường đã dần đưa cá tra vào thế khó. Mà hậu quả nhãn tiền là cá tra Việt Nam bao phen khốn đốn bởi những chiến dịch truyền thông bôi xấu, rào cản thương mại…

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết cuối cùng về đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của các DN Việt Nam xuất vào thị trường này tăng rất mạnh. Đây là phán quyết vô lý và dĩ nhiên đấu tranh đòi sự công bằng là việc phải làm. Nhưng trách người cũng phải nhìn mình bởi “bị kiện bán phá giá, một phần cũng do chúng ta, vì mức giá xuất khẩu trong thời gian qua luôn có xu hướng giảm”, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe chia sẻ.

Ảnh: Huy Hùng

“Để đối phó vấn đề này, trước hết chúng ta phải tự thay đổi mình, tuân theo quy luật thị trường, thiết lập được giá sàn xuất khẩu, nhằm đưa giá xuất khẩu cao hơn. Nhưng giá cao phải hợp lý, bởi còn phụ thuộc chất lượng và giá trị sản phẩm, chất lượng thấp thì không thể có giá cao. Điều này không những giúp đảm bảo sản xuất ổn định trong nước mà còn tránh được những rắc rối tương tự”, ông Hòe nhận định.

 

Thay đổi chiến lược bán hàng

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết: Cú “đánh úp” của DOC vừa qua cũng mở ra cơ hội để cá tra xuất khẩu sang Mỹ nâng giá bán. Nếu các DN nâng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, thì các DN bị áp mức thuế cao sẽ không bị thiệt hại, trong khi những DN không bị đánh thuế lại được hưởng lợi lớn. Ví dụ, hiện nay giá cá tra xuất khẩu là 4 USD/kg. Trong đợt POR8 vừa qua, mức thuế bán phá giá mà đa phần DN phải gánh chịu khi xuất khẩu sang Mỹ là 0,77 USD/kg. Như vậy, nếu cộng mức thuế này vào giá xuất khẩu và các DN đồng thuận mức giá sàn xuất khẩu là 4,77 USD/kg thì các DN bị áp thuế 0,77 USD/kg sẽ không bị ảnh hưởng, trong khi những DN không bị đánh thuế thì lợi.

Để làm được điều này thì cần phải áp giá sàn xuất khẩu. Đây là một trong những giải pháp giúp ngành cá tra Việt Nam giảm bớt những hậu quả của việc cạnh tranh về giá gây ra. Trước đây, VASEP đã nhiều lần đề xuất áp giá sàn với sự đồng thuận của DN, nhưng không thực hiện được vì thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực thi, cũng như thiếu chế tài xử lý. Tuy nhiên, nếu Bộ NN&PTNT có công văn phối hợp với hải quan, yêu cầu không thông quan những đơn hàng xuất khẩu cá tra dưới giá sàn, thì chắc chắn giá sàn xuất khẩu sẽ có hiệu lực.

Việc Nhà nước hỗ trợ DN thực thi giá sàn xuất khẩu không hề vi phạm quy định trong nước cũng như thực hiện các cam kết quốc tế. Nhà nước không ấn định giá, mà là DN khởi xướng và yêu cầu Nhà nước giám sát, giúp đỡ DN thực hiện.

>> “Cá tra là mặt hàng tuyệt vời và nếu xét về một vài khía cạnh thì có lẽ là con cá tốt nhất trên thế giới. Nhưng nếu không có những giải pháp cải thiện chất lượng thì danh tiếng và tiềm năng của loài cá này sẽ bị hủy hoại” – Giám đốc Công ty TNHH Ofco Sourcing Việt Nam, Jean-Charles Diener nói.

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!