(Thủy sản Việt Nam) – Bến Tre có hơn 65 km bờ biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều bãi bồi, cồn nổi là những thế mạnh cho kinh tế biển phát triển. Trong những năm qua, kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng năm 2011 đạt 13,74%, tổng giá trị sản xuất là 11.560 tỷ đồng.
Thế mạnh nuôi trồng
Hiện, tổng diện tích nuôi thủy sản của Bến Tre là 40.600 ha, đạt 94% với kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2011, trong đó, nuôi tôm biển 30.500 ha; diện tích cá tra tăng 595 ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản đã thu hoạch ước đạt 118.800 tấn, đạt 57,4% kế hoạch năm, trong đó, sản lượng tôm biển đạt 11.450 tấn, cá tra là 95.000 tấn.
Đối với tôm sú quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đã thả giống đạt 100% diện tích, tôm đang trong giai đoạn thu hoạch. Diễn biến phức tạp của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh, khiến tôm chết hàng loạt, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri. Tôm càng xanh nuôi trong mương vườn, ruộng lúa (chủ yếu ở huyện Thạnh Phú) đang trong giai đoạn thu hoạch, một số hộ nuôi đang chuẩn bị lại ao để tiếp tục thả giống cho vụ nuôi thứ hai trong năm.
Diện tích thả nuôi cá tra ước đạt 595 ha, sản lượng là 95.000 tấn, đạt 69,34% so với kế hoạch năm, chủ yếu là của các doanh nghiệp.
Bến Tre có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và vùng nước ngọt, hầu hết đều được quản lý khá chặt chẽ, nhiều vùng nuôi đạt chứng nhận GlobalGAP, sản phẩm nuôi luôn đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu nguyên liệu chế biến xuất khẩu với những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… Các đối tượng nuôi mới như: cá chẽm, cá bống tượng, cá rô phi… tiếp tục được đầu tư phát triển.
Phong trào nuôi cá lồng bè phát triển khá mạnh trên các tuyến sông Tiền (huyện Châu Thành), chủ yếu là cá điêu hồng với 316 lồng, thể tích 26.500m3. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình FSPS II (chương trình hỗ trợ ngành thủy sản của Bộ NN&PTNT), Chi cục Thủy sản tỉnh đã thực hiện 10 mô hình nuôi thủy sản nước. Đặc biệt, nghề nuôi nghêu đã đạt chứng nhận MSC, chính quyền địa phương đang tiến hành hoàn thiện lộ trình phát triển bền vững nghêu dựa vào quản lý cộng đồng, từ đó vận dụng phát triển sang các đối tượng nuôi khác.
Còn đó những bất cập
Bên cạnh những thành quả đạt được, việc quy hoạch trong khai thác thủy sản Bến Tre còn yếu kém, cơ cấu nghề khai thác phát triển không cân đối, đặc biệt, nghề lưới kéo tăng cao, gây áp lực lớn lên nguồn lợi thủy sản. Chứng nhận MSC đối với nghề quản lý khai thác nghêu chậm phát huy hiệu quả do thiếu nguồn nguyên liệu.
Cùng với đó, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nghề nuôi, thiếu nguồn giống chất lượng cao, giá cả đầu ra không ổn định (nhất là cá tra), quản lý lịch thời vụ còn gặp khó khăn. Năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu sản phẩm không đa dạng, chỉ tập trung chủ yếu vào 2 mặt hàng là cá tra fillet và nghêu luộc đông lạnh, chưa chế biến được các mặt hàng giá trị gia tăng (sản phẩm tôm biển).
Trong thời gian tới, Bến Tre cần tiếp tục đầu tư mở rộng và xây dựng những khu nuôi thủy sản riêng biệt, thuận lợi giao thông thủy, bộ, nằm cách xa các nguồn gây ô nhiễm trong khu công nghiệp. Có chính sách thu hút đầu tư sản xuất các mặt hàng thủy sản giá trị cao; thu hút nhân tài, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ; tăng cường hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm giá trị gia tăng trong chế biến thủy sản.
>> Bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre chia sẻ: để phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản, tỉnh cần tiếp tục xây dựng các mô hình tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân. Đồng thời, Hội Nghề cá tỉnh phải chú trọng phát triển công tác nghiên cứu, tư vấn, hướng người nuôi áp dụng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lịch mùa vụ và tạo sự liên kết cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản.
Nguyên Chi