Khơi mở thị trường cho nghêu nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Phong trào nuôi nghêu phát triển rộng khắp ở nước ta. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này vẫn rất hạn chế, bởi nhiều rào cản từ các thị trường. Đây là nguyên nhân khiến giá trị con nghêu Việt Nam còn thấp. Do vậy, mục tiêu hiện nay là phải tháo gỡ được điểm nghẽn này để tăng giá trị nghêu nuôi.

Phát triển rộng khắp

Diện tích, sản lượng nuôi nhuyễn thể tại Việt Nam hiện tăng lên về quy mô sản xuất, từ 28.133 ha năm 2011 lên 40.685 ha năm 2015 và 41.200 ha năm 2017. Diện tích tăng chủ yếu là nuôi nghêu/ngao, hàu, sò và các loài nhuyễn thể khác ở ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng. Sản lượng tăng từ 157.000 tấn năm 2011 lên 265.000 tấn năm 2015 và 272.832 tấn năm 2017. Nghêu/ngao, sò và hàu là 3 đối tượng có sản lượng tăng nhiều nhất trong giai đoạn vừa qua.

Những năm qua, tăng trưởng sản lượng nghêu của Việt Nam bình quân 25,9%/năm. Các tỉnh miền Bắc có diện tích nuôi lớn là Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình… Năm 2010, sản lượng nuôi của Thái Bình là 34.000 tấn nhưng đến năm 2018 sản lượng đã đạt 101.000 tấn (tăng gần gấp 3 lần); đứng đầu cả nước và chiếm tới 44%. Tại Nam Định, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 ha nuôi nghêu tập trung tại 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 32.000 tấn.

Phong trào nuôi nghêu đã lan rộng ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nuôi nghêu bãi triều tại Nghệ An khoảng 163 ha, chủ yếu tại huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. Tính chung, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung diện tích khoảng 42.700 ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam bộ khoảng 6.200 ha…

Tại ĐBSCL, nuôi nghêu tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh, với tổng diện tích năm 2020 là 35.690 ha. Trong những năm gần đây, sản xuất, khai thác và chế biến nghêu đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL, nơi được coi là “vựa nghêu” lớn nhất của cả nước.

 

Thách thức vẫn lớn

Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, khai thác, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nhuyễn thể vẫn tồn tại nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững.

Do tác động của thời tiết, những năm qua, tình trạng nghêu chết đã diễn ra tại khu vực nuôi trong cả nước, thậm chí có hiện tượng nghêu chết hàng loạt tại vùng nuôi ở Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do sốc thời tiết, ngoài ra, mật độ nuôi quá dày, một số vùng có hiện tượng nguồn nước bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp. Đầu năm 2020, nhiều diện tích nuôi nghêu tại Bến Tre bị thiệt hại, nghêu chết từ 40 – 80%.

Cạnh đó là vấn đề chất lượng con giống phục vụ cho sản xuất còn chưa đảm bảo khi nhu cầu thả nuôi cao, con giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Giống bản địa ngày càng bị suy giảm do bị khai thác quá mức, sử dụng các phương pháp, công cụ khai thác mang tính hủy diệt, khai thác trong thời gian mùa sinh sản, tận thu cả nghêu có kích thước nhỏ hơn quy định… Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Thành: “Việc khoanh vùng bảo tồn loài nghêu bảo vệ được môi trường sống, khu vực sinh sản, khu ương nuôi giống ngoài tự nhiên góp phần quan trọng vào việc lưu giữ, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi giống nghêu bản địa”. Chức năng của các khu bảo tồn là lưu giữ, bảo vệ nguồn nghêu bố mẹ và nghêu giống nhỏ tự nhiên; tạo ra bãi sinh sản và bãi giống tự nhiên; góp phần phục hồi, tái tạo tự nhiên nguồn lợi nghêu bản địa.

 

Bài toán đầu ra

Theo VASEP, nhuyễn thể của Việt Nam đã có mặt ở 57 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia… và đạt gần 90 triệu USD trong năm 2018, đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành hàng. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 7 về cung cấp nhuyễn thể hai mảnh vỏ cho EU, chiếm 5,8% và được xem là quốc gia có tiềm năng lớn đối với việc xâm nhập thị trường châu Âu do giá thành rẻ. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ Chilê có giá 2,9 USD/kg, Hà Lan 4,1 USD/kg, Pháp 6,5 USD/kg trong khi Việt Nam chỉ 1,8 USD/kg.

Mặt khác, tại thị trường EU, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được EU công nhận nguồn nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt điều kiện an toàn vệ sinh và đồng ý cho nhập khẩu. Các mặt hàng chính là sản phẩm nghêu, sò đã qua xử lý nhiệt (nghêu lụa/nghêu trắng/nghêu nâu hấp/luộc đông lạnh, thịt nghêu đông lạnh…); một số doanh nghiệp đã chiếm được thị phần lớn như Công ty CP Thủy sản Bến Tre, Công ty TNHH Minh Đăng, Công ty TNHH Hải Nam… Điển hình là Công ty CP Gò Đàng có 4 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu với hầu hết thiết bị công nghệ cao của Nhật Bản, EU; tổng công suất chế biến của 4 nhà máy đạt 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Ngoài EU, Việt Nam xuất khẩu nghêu vào Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Trung Quốc, Canada… Năm 2019, Trung Quốc cũng đồng ý cho phép Việt Nam xuất khẩu nghêu hoa, nghêu trắng, nghêu lụa và mới đây, đầu tháng 5/2020, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chấp thuận bổ sung nghêu hai cùi vào danh sách các loài động vật thủy sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia đánh giá nghêu có thể vươn lên là mặt hàng mũi nhọn xuất khẩu của ngành thủy sản cùng với tôm và cá tra; song để làm được điều đó, cần cải tiến kỹ thuật nuôi, cũng như tạo ra các vùng nuôi ổn định, an toàn. Các cơ quan khoa học, các bộ ngành và địa phương cùng doanh nghiệp phối kết hợp tốt trong việc xử lý dịch bệnh, hạn chế thiệt hại do thời tiết, tăng chất lượng con giống… tỷ lệ nuôi nghêu thành công sẽ cao hơn và sẽ nhiều người dân tham gia nuôi nghêu nói riêng cũng như các sản phẩm nhuyễn thể nói chung, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Box: Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 7 về cung cấp nhuyễn thể hai mảnh vỏ cho EU, chiếm 5,8% và được xem là quốc gia có tiềm năng lớn đối với việc xâm nhập thị trường châu Âu do giá thành rẻ.

Nguyễn Anh – Tuấn Kiệt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!