Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.
Cũng như nhiều hộ nuôi trăn trên địa bàn, anh Nguyễn Thanh Vũ, ở phường 1, TP Cà Mau, có hơn 25 năm làm nghề nuôi trăn và mua bán da trăn xuất khẩu. Đã có lúc anh cũng lao đao vì trăn rớt giá. Anh nhớ lại, những năm 1990, cơ quan Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp thế giới (gọi tắt là CITES) không công nhận trăn đất của Việt Nam có nguồn gốc từ gây nuôi.
Bởi vì trăn đất là loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Phụ lục II – CITES có xuất xứ từ thiên nhiên nên đã cấm xuất khẩu, nhiều hộ đã phải chuyển sang kinh doanh nghề khác. Nhưng anh vẫn bình tĩnh chờ thời cơ và tin rằng trăn sẽ có giá trở lại.
Từ năm 2008 đến nay, sau khi cơ quan CITES thế giới kiểm tra và chứng minh được trăn đất của Việt Nam có nguồn gốc từ gây nuôi thì thị trường mua bán trăn bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Anh cũng đã tìm được thị trường tiêu thụ da trăn ở trong và ngoài nước, bắt tay gầy dựng lại cơ sở nuôi trăn, mở rộng kinh doanh bằng cách thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ánh Duy chuyên mua, bán trăn xuất khẩu.
Năm 2011 đến nay, công ty anh đã xuất sang thị trường châu Âu 30.000 tấm da trăn. Nhờ nuôi trăn và chế biến da trăn xuất khẩu đã mang lại cho gia đình anh lợi nhuận khá lớn. “So với các loài gia cầm khác thì con trăn mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Thức ăn cũng dễ kiếm, tất cả sản phẩm của con trăn như: thịt trăn, mỡ trăn, mật trăn… đều bán được”, anh Vũ thông tin.
Anh Võ Văn Khanh, chủ cơ sở nuôi trăn ở phường 9, TP Cà Mau, cũng cho biết, nuôi trăn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi heo. Trăn rất dễ nuôi, 1 tuần mới cho ăn 1 lần, da xuất khẩu được, thịt trăn cũng dễ tiêu thụ trên thị trường.
Trăn là con vật rất hiền, dễ gần gũi và dễ nuôi nên khi trăn có giá, người dân bắt đầu nuôi lại. Hiện nay trăn con có giá từ 200.000-300.000 đồng/con. Nuôi trăn con trong hộ gia đình ít tốn công chăm sóc, vốn đầu tư thấp, ít bị dịch bệnh, diện tích nuôi không cần nhiều, thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là chuột sống, vịt.
Da trăn có hoa văn đẹp và độ bền cao nên rất được ưa chuộng để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lột da trăn người thợ lột da trăn phải hết sức cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, chính xác và thành thạo, không được làm cho da trầy xước.
Lột xong phải có người căng da trên một tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Sau khi khô, da trăn được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng. Da trăn bán nhiều giá, tuỳ theo kích thước.
Trăn có giá, người nuôi nhiều hơn, người mua bán trăn cũng nhiều làm cho thị trường mua bán trăn trở nên nhộn nhịp. Thương lái đi khắp nơi để mua trăn về bán lại. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều hộ nuôi mà không đăng ký nên cơ quan chức năng khó kiểm tra, quản lý được tổng đàn để cấp giấy chứng nhận gây nuôi, nhất là cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt để xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài cho các doanh nghiệp.
“Trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm rất nhiều lần thông báo cho bà con nông dân có nuôi trăn hoặc các loài động vật khác đến Chi cục Kiểm lâm hoặc các Hạt Kiểm lâm để đăng ký gây nuôi nhằm bảo đảm tính hợp pháp.
Tuy nhiên, hiện nay qua kiểm tra, rất nhiều hộ dân ở nông thôn nuôi nhỏ lẻ 5-10 con không đăng ký, từ đó gây khó khăn cho cơ quan kiểm tra, giám sát. Mặt khác, người dân cũng chịu thiệt thòi do các thương lái mua o ép giá.
Việc gây nuôi rất đơn giản, bà con đến Chi cục Kiểm lâm để được hướng dẫn làm thủ tục rất dễ dàng, không tốn chi phí vừa đảm bảo cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu mặt hàng này có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp, bảo đảm được giá thành sản phẩm và mang tính bền vững, lâu dài”, ông Phan Hùng Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết.
Cùng với các loài động vật hoang dã khác được gây nuôi như: cá sấu, ba ba, heo rừng…, nuôi trăn đất cũng mang lại lợi nhuận khá cao trong thời điểm hiện nay, góp phần giải quyết lao động khi nông nhàn, tạo ra nguồn thu nhập kinh tế phụ cho gia đình.
Đồng thời, việc gây nuôi còn giúp phục hồi một loài động vật hoang dã, quý hiếm có tên trong Phụ lục CITES và Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm.