Sau Tết Nhâm Thìn, tôi trở lại làng biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) – nơi hơn mười năm trước hàng chục chiếc tàu xa bờ trị giá hàng tỉ đồng mỗi chiếc nằm phơi mưa phơi nắng trên bờ. Và thật bất ngờ khi gặp nơi đây những tỉ phú đánh bắt xa bờ. Và càng bất ngờ hơn, khi hàng chục ông chủ – ngư dân giỏi giang khác phải chịu cảnh nằm bờ vì… không có tàu để xa bờ.
Ngân hàng vay tiền của ngư dân
Tôi hỏi những ngư dân gặp trên đường về biển Cửa Việt rằng ai là người có tàu xa bờ công suất lớn nhất vùng này, họ đều chỉ cho tôi ngôi nhà xây nơi mặt tiền đường xuyên Á nối từ quốc lộ 1A về tận biển Cửa Việt. Vừa gặp tôi, nghe giới thiệu là nhà báo của Lao Động, ông Võ Lới – chủ nhân ngôi nhà có chiếc tàu xa bờ 400CV – reo lên: “Tui biết chú rồi. Mấy năm trước tui đã đọc bài báo chú nói về chuyện tàu xa bờ của dự án phải nằm bờ ở Cửa Việt này. Nói chung là như ri, chủ trương của Nhà nước đầu tư cho ngư dân đóng tàu công suất to để đánh bắt xa bờ là rất trúng, nhưng cách làm lại quá sai, nên hậu quả là tiền mất tật mang. Tiền cho chương trình xa bờ mất nhiều dữ lắm, nhưng mất lớn nhất là làm mất lòng tin của Nhà nước đối với ngư dân làm ăn chân chính, chục năm nay, ngư dân có vay mượn chi của ngân hàng được mô…”.
Hàng trăm chiếc tàu nhỏ, cũ cần vốn để nâng cấp đủ sức đi đánh bắt xa bờ ở Quảng Trị. |
Trong tình cảnh khó khăn sau thất bại của chương trình dự án tàu xa bờ, ông Võ Lới cặm cụi lui tới Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Cửa Việt, kiên trì năn nỉ, thuyết phục và vay được 200 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn của bà con, anh em, ông Lới đóng được chiếc tàu xa bờ. “Năm 2003 mà vay được 200 triệu cũng là to rồi, tui đóng được chiếc tàu 250CV, nhưng trên giấy tờ đăng kiểm chỉ là 90CV, trên tàu thường xuyên có 14 lao động, họ là những ngư dân giỏi trong vùng nhưng không có vốn liếng để đóng tàu mua lưới nên đi làm với tui, mỗi chuyến biển về trừ chi phí, còn lại chia theo tỉ lệ 6/4 (chủ tàu 6/người làm công 4). Tui khá lên, nhưng bà con cũng khá lên rất nhiều”.
Anh Lê Văn Truyện – 51 tuổi, nhà ở thôn Hà Lộc, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, làm công trên tàu xa bờ của ông Lới – kể: “Hồi trước tui cũng có đi làm công trên tàu xa bờ của dự án, ra khơi rồi, người thì đi câu mực, cá riêng cho cá nhân, người thì ăn nhậu, đến khi vô việc chính là thả lưới của hợp tác xã thì ai nấy mệt rã rời rồi, có làm nổi mô; ai cũng lo bị ngoài hơn bị trong, rồi tàu, ngư lưới cụ thì chịu cảnh “cha chung không ai khóc” nên thất bại là phải thôi. Nghe nói bác Lới ở Cửa Việt đi khơi giỏi, tui lặn lội trong Triệu Phong ra đây đầu quân đi khơi với bác ấy, mỗi năm mang về cho vợ con trên trăm triệu bạc. Có những chuyến trúng cá nục, cá duội thu được cả tỉ bạc. May mắn cộng với đầu óc tính toán giỏi của bác Lới nên anh em làm biển khơi trên tàu của bác yên tâm lắm”.
Năm 2010, ông Lới đã nâng cấp chiếc tàu lên 400CV. Đến trước Tết Nhâm Thìn vừa rồi, bố con ông lại vừa hạ thuỷ một tàu xa bờ nữa – 250CV với tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng. Tôi hỏi: “Bác có vay tiền ngân hàng không mà sắm thêm tàu to vậy?”. Ông thầm thì giọng khiêm tốn: “Không giấu chi chú, tui cho ngân hàng vay cũng vài tỉ, ra giêng sẽ làm cho thằng con trai thứ ngôi nhà, chắc cũng hơn tỉ…”.
Tàu nhỏ mà xa bờ là lỗ to
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt – ông Mai Văn Minh – cho hay, tỉ trọng khai thác hải sản chiếm gần 50% tổng thu nhập của người dân, nhưng trong tổng số 157 tàu đánh bắt hải sản của toàn thị trấn chỉ có 43 tàu xa bờ có công suất từ 110 – 180CV, còn lại là gần bờ và trung bờ. “Ngư dân và lãnh đạo thị trấn rất nhiều lần kiến nghị với trên về việc cho dân vay để đóng mới hoặc nâng cấp tàu hiện có thành tàu xa bờ, nhưng mãi vẫn không được. Ngân hàng cứ nhìn vào đồng vốn bị mất từ hồi chương trình tàu xa bờ nên sợ, không dám cho dân vay” – ông Minh nói.
Tỉ phú Võ Lới sau chuyến đi biển đầu năm Nhâm Thìn |
Ông Võ Lới nói rằng có ra khơi, đánh bắt hải sản xa bờ mới thấy tàu bè của mình bé nhỏ, lạc hậu như thế nào so với tàu bè đánh bắt hải sản của nước người ta. “Trong số 43 tàu của Cửa Việt xa bờ cũng chỉ có mấy tàu đếm trên đầu một bàn tay là có lãi thôi, còn lại đều chỉ đủ ăn hoặc thua lỗ. Vì sao? Vì tàu công suất dưới 200CV là quá nhỏ so với việc xa bờ, cũng 200m3 đá lạnh nhưng tàu tui chở ra đến vùng đánh bắt, vẫn còn được trên 170m3, trong khi tàu dưới 180CV, chạy chậm nên ra đến nơi còn chưa được trăm khối, tàu chạy chậm lại tốn nhiên liệu; khi có đầy cá rồi, chạy về càng chậm, mà về chậm thì hao tốn đá lạnh, nhiên liệu càng nhiều, trong khi chất lượng cá không tươi bằng tàu công suất lớn về bờ nhanh. Nói tóm lại là tàu công suất nhỏ mà càng ra xa bờ là càng lỗ. Nhưng nếu nói thế thì có người hỏi lại lỗ sao cứ ra khơi vậy, bi chừ sống chết trên biển mà không ra khơi thì làm nghề gì?” – tỉ phú Võ Lới nói.
Biển Cửa Việt những ngày mưa rét sau Tết Nhâm Thìn trông thật buồn, nối đuôi nhau là hàng chục chiếc tàu cũ kỹ, nhỏ bé nằm chờ vốn vay để sửa chữa, nâng cấp. Ông Lê Lào đưa tôi lên “tham quan” con tàu xa bờ… 56CV của nhà ông và nói: “Chỉ nơi xóm tui đây đã có 5 hộ có tàu xa bờ lẹt xẹt như tui, cùng có nhu cầu vay vốn để thay vỏ tàu, nâng cấp máy, nhưng tới ngân hàng thì họ lắc đầu quầy quậy. Không có vốn thì không sắm được tàu to, mà không có tàu to thì chỉ xa bờ với những chiếc tàu cỏn con như ri, muôn đời vẫn không thể khá lên như bác Lới được”.
Chỉ sợ không có mặt để gửi vàng
Tôi đem câu chuyện không có tàu để xa bờ của ngư dân Cửa Việt đến gõ cửa Phó Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Quảng Trị – ông Trương Công Dũng. Ông Dũng nói ngay: “Có chuyện đó. Chúng tôi cũng rất đau đầu vấn đề này, về nguyên tắc, ngay tại đó vẫn còn nhiều tỉ đồng vốn của ngân hàng chưa thu hồi được từ… tàu xa bờ và do vậy việc tiếp tục đầu tư mới để đóng tàu xa bờ cũng phải rất cân nhắc, cẩn trọng”. “Nhưng, ở một địa phương có gần trăm cây số bờ biển, nơi mà gần 50% số dân sống bằng nghề biển mà dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt hải sản của Agribank Quảng Trị đến cuối năm 2011 chỉ ở con số 40 tỉ đồng, trong đó tỉ trọng cho vay đánh bắt chiếm rất nhỏ, thì như vậy có phải Agribank chưa thực sự chú trọng lĩnh vực đánh bắt hải sản không?”.
Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, ông Dũng nói rằng trong tháng cuối năm 2011, lãnh đạo Agribank Quảng Trị cũng đánh giá rằng con số đầu tư cho đánh bắt hải sản hiện tại là quá thấp và đã chỉ đạo cho chi nhánh tại Cửa Việt xem xét, mạnh dạn cho vay vốn đối với một số hộ có năng lực xa bờ kiểu như tỉ phú Võ Lới. Theo ông Dũng thì Agribank không thiếu vốn để đầu tư cho ngư dân đánh bắt xa bờ, vấn đề là không thể đầu tư đại trà, không phải mọi ngư dân đều có thể làm chủ con tàu xa bờ như nhau được. Bài học dựng lên những chủ tàu xa bờ dưới tên gọi hợp tác xã “cha chung không ai khóc” để giải ngân và rồi mất trắng hàng trăm tỉ đồng trong chương trình tàu xa bờ năm 1997 vẫn tươi rói thời sự.
Tôi gặp lại những ngư dân Lê Lào, Nguyễn Văn Phụ, Nguyễn Văn Chơn, Phan Văn Quang, Phan Văn Thăng… – những người đang cần vốn để thay vỏ tàu, nâng công suất máy cho tàu cũ. Tôi nói ngân hàng muốn tìm ra những người có đủ năng lực làm ông chủ để đầu tư vốn vay đóng tàu xa bờ, nếu có tàu to các anh có trở thành chủ nợ của ngân hàng như ông Lới được không? Ngư dân Lê Lào nhìn xa ra ngoài biển, trầm ngâm: “Bác Lới giỏi, con bác ấy vừa trẻ vừa giỏi. Bác ấy vẫn động viên anh em tui sắm tàu to để cùng ra khơi với bác ấy. Tui nghĩ nếu ngân hàng tin tưởng cho bầy tui vay vốn với hình thức cá nhân chịu trách nhiệm nợ, chứ không phải như hợp tác xã trước đây thì chắc sẽ thành công”.
Lâm Chí Công
Theo Báo Lao Động