T2, 06/07/2020 10:27

Không sử dụng điện xiệc thủy hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm gần đây, nguồn lợi cá đồng trong tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Trần Văn Thời nói riêng giảm mạnh, nguyên nhân là do người dân sử dụng xiệc điện để bắt cá. Đây là cách bắt cá theo kiểu tận diệt, gây tác hại lâu dài. Trong khi đó, việc quản lý vấn đề này còn lỏng lẻo, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Mặt khác, chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm hành vi dùng điện để bắt cá. Vừa qua, UBND xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo về “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản”, lồng ghép với phong trào bảo vệ thôn xóm, hướng đến xây dựng nông thôn mới tại ấp Kinh Ngang. Bước đầu mô hình này phát huy hiệu quả tích cực.

 

Dụng cụ xiệc điện của nhân dân giao nộp cho Công an xã Khánh Lộc.

Mục đích của mô hình dân vận khéo “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản” là vận động nhân dân giao nộp dụng cụ xiệc điện dùng bắt cá đồng. Sau khi mô hình triển khai thực hiện được người dân trong ấp đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng.

Anh Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Tôi có sắm dụng cụ điện để xiệc cá ăn trong gia đình hằng ngày, nhưng sau đó thấy có hại là diệt hết cá con. Nhờ chính quyền ấp vận động, tôi sẵn sàng đem cục xiệc nộp cho công an ấp”.

Anh Nguyễn Thanh Tú bộc bạch: “Qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, tôi thấy dùng xung điện để bắt cá là gây tác hại lớn đến nguồn lợi thuỷ sản vì xung điện sẽ huỷ diệt từ cá nhỏ đến cá lớn. Vì thế, tôi tự nguyện giao nộp cho chính quyền.

Tôi cũng mong muốn chính quyền cần nhân rộng mô hình này ra toàn xã, toàn huyện và trong tỉnh, nhằm giữ lại nguồn lợi cá đồng cũng là giữ lại nguồn sống của chúng ta”.

Ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc có hơn 100 hộ dân sinh sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Trước đây, vào mỗi vụ lúa chín hay bơm nước chuẩn bị gieo sạ, nông dân nơm nớp lo sợ nạn xiệc điện bắt cá, nhất là những hộ nuôi cá đồng.

Người dân vừa canh nước cho lúa, vừa phải thức đêm để giữ cá. Do kiếm được nhiều tiền nên một số đối tượng không ngần ngại sử dụng xiệc điện để bắt trộm cá đồng của người dân. Nếu nước cạn ra ruộng xiệc khoảng 1 giờ sẽ có trên 5 kg cá lóc, trê vàng và cá rô. Một người chuyên dùng xiệc điện bắt cá, một đêm có thể thu nhập trên 1 triệu đồng.

Trước đây, mỗi năm Công an xã Khánh Lộc phát hiện và bắt giữ gần 20 trường hợp dùng xiệc điện bắt cá. Các đối tượng này bị phạt hành chính và đưa ra kiểm điểm trước dân. Nhưng từ khi triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản” đến nay, công an xã chỉ bắt giữ và xử lý 2 trường hợp dùng điện xiệc cá.

Ông Đặng Thành Long ở ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, nhận xét: Mô hình dân vận khéo này rất khả thi vì nó bảo vệ được nguồn lợi cá đồng vốn có từ trước đến nay, đặc biệt là con cá bổi đã có thương hiệu trên thị trường, giữ được nó thì chúng ta mới có đủ lượng cá khô bổi cung ứng cho người tiêu dùng.

Ông Cao Văn Giữ, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, khẳng định: Trong quá trình thực hiện mô hình mang lại hiệu quả rất cao, nhân dân có ý thức chấp hành rất tốt, nhiều hộ tự nguyện đem dụng cụ xiệc điện giao nộp cho công an xã.

Tính từ khi triển khai mô hình dân vận khéo “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản” đến nay, người dân ở xã Khánh Lộc đã giao nộp 23 bộ dụng cụ xiệc điện bắt cá và 65 hộ ký cam kết tự huỷ dụng cụ.

Song song với việc thực hiện mô hình dân vận khéo về “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản” lồng ghép với phong trào bảo vệ thôn xóm, xã Khánh Lộc củng cố và thành lập 9 ban bảo vệ ở 9/9 ấp, có 63 thành viên, 67 tổ nhân dân tự quản với 128 thành viên, bình quân 32 hộ dân/1 tổ nhân dân tự quản. Các ban bảo vệ và tổ tự quản này kịp thời can thiệp và xử lý những trường hợp gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Ông Cao Văn Giữ cho biết thêm: Năm 2013, UBND xã Khánh Lộc tiếp tục triển khai thực hiện tiêu chí thứ 19 trong bộ tiêu chí xây dựng nông mới về bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn từ nay đến năm 2015.

Trước hết, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể kết hợp với các ấp tuyên truyền thực hiện mô hình dân vận khéo “Không sử dụng các nguồn điện xiệc thuỷ hải sản”; tăng cường các tổ nhân dân tự quản, vận động quỹ quốc phòng – an ninh để hỗ trợ cho hoạt động tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp, đồng thời nêu gương điển hình những hộ dân tham gia thực hiện tốt mô hình.

Phan Hà

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!