“Không thể “khoán” cho một mình Nafiqad”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Xung quanh việc một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nga có công văn gửi Bộ NN&PTNT là sẽ thanh tra một số nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Lê Phương, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (ảnh), người từng chịu trách nhiệm quản lý và giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã có thông tin ba nước Hàn Quốc, Nga, Mỹ sẽ đến thanh tra một số nhà máy sản xuất, chế biến thủy sản, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thực tế, việc này không có gì mới vì đây là một trong những điều khoản thỏa thuận xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với những nước này. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta đang có vấn đề nên mới có nhiều nước muốn đến thanh tra ngành thủy sản nước ta.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi có những đợt thanh tra này thì ngành thủy sản phải xác định xem các nước phản ứng vấn đề gì để tìm cách khắc phục, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam vốn dựa vào xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản là chính.

 

Ngày 31/1/2012, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) thông báo, một số lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang nước này không bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2008, Việt Nam đã từng bị cấm xuất khẩu thủy sản vào Nga không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo ông, tại sao chúng ta không rút ra được bài học của năm 2008 mà tiếp tục lặp lại?

Ngày 20/12/2008, Nga chính thức cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam vì lý do an toàn thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã phải 3 lần đi Nga và sau đó cam kết lập ra Ban điều hành xuất khẩu thủy sản sang Nga. Sau đó, lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nga liên tục tăng từ giữa năm 2009.

 

Cá tra Việt Nam quyết tâm hướng đến sản phẩm sạch   

             Ảnh: Huy Hùng

 

Do thị trường Nga có mức tăng trưởng hàng năm khá lớn nên từ đây mới nảy sinh ra vấn đề một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản qua Nga bằng đường vòng qua những nước lân cận như Belarus, Latvia… Đây là những quốc gia không đòi hỏi những yêu cầu cao về an toàn thực phẩm khi vào Nga. Chính điều này đã được những doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh và được VPSS kiểm tra và phát hiện nên mới có yêu cầu sẽ thanh tra ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy theo tôi, đó là một trong những nguyên nhân khiến VPSS đưa ra thông báo sẽ thanh tra ngành thủy sản Việt Nam để làm rõ vấn đề.

 

Theo quy định hiện hành, những mặt hàng nông lâm thủy sản trước khi xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad). Vậy tại sao Nafiqad đã kiểm tra nhưng vẫn bị nước nhập khẩu phát hiện?

Chuyện này cũng dễ hiểu, vì Nafiqad lâu nay chỉ kiểm tra kết quả cuối cùng và cách lấy mẫu theo kiểu theo lô, một container hàng chỉ lấy vài mẫu kiểm tra nên xác suất không thể đảm bảo 100% được. Vì thế, chúng ta không thể “khoán” cho một mình Nafiqad làm công việc này được.

 

Chúng ta có những lý do để giải thích tại sao sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm. Như vậy, chúng ta không làm gì được để giải quyết vấn đề?

Hiện nhiều nước đều dựng hàng rào kỹ thuật cho mặt hàng nhập khẩu, mà trong đó vấn đề an toàn thực phẩm được nhiều nước áp dụng nhất, do đó, Việt Nam không cấm những doanh nghiệp không đáp ứng những tiêu chí nói trên thì nước khác cũng sẽ cấm hàng nông thủy sản của Việt Nam. Lúc đó, uy tín của toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng.

Khi chúng ta biết vấn đề nằm ở đâu thì ngành thủy sản sẽ làm được nếu muốn làm. Theo tôi, để không phải lặp lại chuyện này thì cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Nafiqad, Sở NN&PTNT các tỉnh cần tăng cường kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ không cho xuất khẩu.

Một khi đã đặt ra yêu cầu cao với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải có những thỏa thuận với người sản xuất để mua được sản phẩm sạch. Tuy nhiên, để làm được yêu cầu trên cần có sự phối hợp liên bộ.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!