Đánh giá của nhiều chuyên gia, phụ phẩm tôm là nguồn “tài nguyên” lớn, thế nhưng lại đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm vì gây ô nhiễm môi trường. Tận thu nguồn lợi này đang được các cấp ngành và doanh nghiệp tích cực tìm giải pháp.
Cần tập trung các nguồn lực để phát triển mạnh mẽ ngành nuôi tôm
Vẫn bị coi là rác thải
Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) có hàng chục xí nghiệp chế biến thủy sản, trong đó nhiều xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm, đang gây hại môi trường. Những cống nước đen ngòm xả thẳng vào ngã ba sông Gành Hào, Mương Điều và Lương Thế Trân để lan ra một vùng rộng lớn. Cùng với ô nhiễm nước là ô nhiễm không khí, mùi hôi thối nồng nặc theo gió cứ đảo chiều hết hướng này sang hướng khác, trùm lên nhiều khu dân cư.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tha thiết: “Sử dụng phụ phẩm tôm rất cần được quan tâm vì giúp giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động chế biến tôm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao”. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng phòng Phát triển thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Phụ phẩm tôm hiện là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng”.
Phụ phẩm tôm là những phần bỏ đi trong quá trình chế biến tôm, gồm đầu, vỏ, gan, tụy… Theo TS Dũng, phụ phẩm tôm chiếm 35 – 45% khối lượng tôm, tùy loại tôm sú hay tôm thẻ. Năm 2017, sản lượng tôm Việt Nam đạt 723.800 tấn và phụ phẩm từ 253.330 – 325.710 tấn. Với kế hoạch phát triển hiện nay, dự kiến năm 2020 sản lượng tôm là 832.500 tấn và phụ phẩm sẽ 291.375 – 374.625 tấn; năm 2025 sản lượng tôm 1.153.000 và phụ phẩm 403.550 – 518.820 tấn.
TS Dũng phân tích, phụ phẩm tôm chứa nhiều protein có thể sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đặc biệt, vỏ tôm chứa 27% chitin là nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm có rất nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nhưng, ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food (VNF) cho biết, phụ tôm hiện mới xử lý được khoảng 40% (7% làm thực phẩm và dược phẩm, 33% làm phân bón và thức ăn chăn nuôi cấp thấp), còn lại 60% xả bỏ vào môi trường. Tính ra mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn bỏ phụ phẩm tôm trở thành rác thải, gây hại môi trường.
Tận dụng triệt để
Trong lúc, từ vỏ tôm đã có công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Alicante (Tây Ban Nha) sử dụng nấm để sản xuất nhiên liệu sinh học (bioethanol) từ vỏ tôm, một công nghệ mang tính đột phá và công nghệ này đã có mặt ở Việt Nam, tại Trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ Hà Nội.
Các chuyên gia cho biết, phụ phẩm tôm có thể sản xuất thức ăn thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao để giảm lượng thức ăn. Đặc biệt, dịch tôm thủy phân có tính chất dẫn dụ thủy sản nuôi bơi nhanh đến gần thức ăn và ăn nhiều để mau lớn, tăng doanh thu và lợi nhuận. Nghiên cứu của PSG.TS Lê Thanh Hùng ở Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, thêm dung dịch tôm vào thức ăn thủy sản, nuôi tôm tăng doanh thu 30%, nuôi cá rô phi tăng doanh thu 11%.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, các đại biểu tham dự đều khẳng định, phế phẩm tôm là “mỏ vàng” của ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung. Công ty CP Việt Nam Food (VNF) hiện có thể coi là doanh nghiệp hàng đầu xử lý phụ phẩm tôm ở nước ta với 2 nhà máy có công suất gần 200 tấn/ngày, tại tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Phó Chủ tịch HĐQT Phan Thanh Lộc cho biết: “Từ đầu vỏ tôm, chúng tôi đã tạo ra 4 dòng sản phẩm: dược phẩm/thực phẩm chức năng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ. Nhà máy của chúng tôi đạt các chứng chỉ chất lượng quốc tế, có thể khai thác đến 80% khối lượng đầu vào và giảm 80% lượng ô nhiễm so với các doanh nghiệp khác trong ngành”.
Nhưng ông Lộc cũng thừa nhận, hiệu quả kinh tế trong chế biến phụ phẩm tôm của VNF so các nước tiên tiến mới bằng khoảng 1/6. “Với lượng phụ phẩm tôm của nước ta hiện nay, nếu là thế giới có thể tạo ra nhiều sản phẩm có tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD, còn nước ta chỉ tạo ra được 275 triệu USD. Có thể hình dung, khi sản lượng tôm hơn 1 triệu tấn, gấp rưỡi hiện nay, thì mỏ vàng này lớn cỡ nào”, ông Lộc nói.
PGS.TS Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho rằng, cần chế biến phụ phẩm tôm để tăng giá trị cho ngành và tiếp cận mô hình chế biến thủy sản không chất thải. “Tuy nhiên, muốn chế biến phụ phẩm tôm đạt hiệu quả cao, phải đầu tư trang thiết bị hiện đại”, ông Trung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng cho rằng, ngành tôm để đạt kế hoạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2018, cần trọng chế biến phụ phẩm. Đặc biệt, để đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2025, không thể không khai thác và nâng cao giá trị chế biến phụ phẩm. Thứ trưởng Doanh đề nghị các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư đa dạng sản phẩm mang lại giá trị cao, “cần tập trung các nguồn lực để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này”.
>> Từ phụ phẩm tôm đã có rất nhiều sản phẩm giá trị cao được chế biến ra, như: các chất kháng khuẩn, đông máu trong y tế; trong thực phẩm và dinh dưỡng là các loại gia vị sinh học, sốt các loại, chất tạo độ cứng, độ keo, khử axit, hạn chế hấp thụ chất béo, nước chấm các loại; trong mỹ phẩm là kem chống khô da; trong hóa chất và công nghiệp là hồ vải, mực in sinh học, chất dẻo sinh học; và rất nhiều chất để bảo trái cây, rau củ quả, cả xử lý nước thải. |