Năm 2012, nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình thiệt hại ở nhiều địa phương duyên hải miền Trung và miền Nam, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất toàn ngành thủy sản. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do chất lượng con giống, kỹ thuật xử lý ao không đảm bảo, mùa vụ thả giống chưa thích hợp, các yếu tố môi trường bất lợi làm cho tôm bị sốc, mầm bệnh có cơ hội phát triển thành dịch.
Để đảm bảo kế hoạch nuôi trồng năm 2013, Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 2309/TCTS-NTTS xây dựng khung thời vụ thả giống tôm nước lợ, gửi các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các địa phương nghiêm chỉnh tuân thủ theo khung mùa vụ thả giống tôm nước lợ, cụ thể:
Đối với các tỉnh ven biển phía Nam:
– Nuôi tôm thẻ chân trắng:
Chỉ nên nuôi tại những vùng có cơ sở hạ tầng đáp ứng với nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước, có ao lắng, có hệ thống cấp, tiêu nước riêng biệt. Có thể nuôi 2 vụ/năm; vụ 1 cải tạo ao tháng 01 – 02 (dương lịch), thả giống từ tháng 02 đến tháng 4; vụ 2 sau khi thu hoạch vụ 1 ít nhất 30 ngày để xử lý vệ sinh ao, cải tạo ao, kết thúc thả giống tháng 8 – 9; mật độ từ 60 – 80 con/m2.
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh: nên nuôi 1 vụ/năm; bắt đầu cải tạo ao từ tháng 01, thả giống rải vụ từ tháng 3 – 7, mật độ từ 15 – 25 con/m2
+ Nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm: có thể thả 2 vụ/năm; vụ 1 cải tạo ao từ tháng 01, thả giống bắt đầu tháng 02 – 4; vụ 2: thả giống từ tháng 6 – 8; mật độ 10 – 12 con/m2.
+ Nuôi quảng canh cải tiến kết hợp tôm sú với cua, cá: theo hình thức thu tỉa thả bù, thả giống rải vụ theo điều kiện của mỗi vùng, bắt đầu từ tháng 01- 02, cách 1-1,5 tháng thả bù một lần, thả 4 lần/năm, mỗi lần thả 1-2 con/m2.
+ Nuôi quảng canh tôm – rừng: theo hình thức thu tỉa thả bù, thả giống tháng 01, mỗi tháng bổ sung giống 1 lần, mỗi lần từ 1 – 2 con/m2, kết thúc thả giống trong tháng 8.
+ Nuôi luân canh tôm – lúa: thả giống từ tháng 01 – 3, có thể thả bù 1 – 2 lần. Thu hoạch dứt điểm vào tháng 7 để ngắt vụ không cho mầm bệnh lưu truyền sang năm sau, thu xong dọn ao, sạ lúa vào tháng 8 – 9.
Lưu ý: Cần khuyến cáo các trường hợp nuôi theo phương thức thu tỉa thả bù sử dụng con giống cỡ lớn, do vậy cơ sở nuôi cần có ao, mương để ương dưỡng giống thêm 1 tháng.
* Đối với các tỉnh duyên hải miền Trung (Đà Nẵng đến Bình Thuận)
– Nuôi tôm thẻ chân trắng:
Tại những vùng được quy hoạch chủ động nguồn nước hoặc nuôi trên cát, có thể nuôi 2 vụ; vụ 1 bắt đầu từ tháng 02, mật độ thả từ 80-100 con/m2; vụ 2 kết thúc trước tháng 10 dương lịch.
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh: nên nuôi 1 vụ, thả giống từ tháng 3-7; mật độ từ 15-20 con/m2.
+ Nuôi quảng canh cải tiến: nên nuôi kết hợp tôm sú với các đối tượng nuôi khác có giá trị kinh tế; thời gian thả giống từ tháng 3-8 theo phương thức thu tỉa thả bù, cách 1 tháng thả bù một lần, mỗi lần thả 1-2 con/m2.
* Đối với các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ninh)
– Nuôi tôm thẻ chân trắng:
Tại những vùng có hạ tầng đảm bảo nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước. Có thể nuôi 2 vụ, vụ 1 bắt đầu từ tháng 4, mật độ thả từ 80-100 con/m2; vụ 2 thả giống tháng 7-9, mật độ thả từ 60-80 con/m2.
– Nuôi tôm sú:
+ Nuôi thâm canh, bán thâm canh: nuôi 1 vụ ở những nơi có hạ tầng đảm bảo; thả giống từ cuối tháng 4 – 6, mật độ thả từ 15-20 con/m2.
+ Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến: thả giống từ tháng 4 đến tháng 7, mật độ thả nuôi 6-8 con/m2, có thể kết hợp nuôi cua, cá nước lợ.