(TSVN) – Ngày 29/9, Viện Nghiên cứu NTTS III có Công văn số 296/TS3-QTMT&BTSMT về kết quả quan trắc môi trường vùng NTTS khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tháng 9/2023. Dựa theo kết quả này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đưa ra khuyến cáo về công tác phòng bệnh cho tôm hùm nuôi lồng tại Khánh Hòa.
Thông số quan trắc môi trường
Chất lượng môi trường vùng nước nuôi tôm hùm quan trắc trong 9/2023 tại các vùng nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa (Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vĩnh Nguyên và Cam Bình) ở mức tốt đến rất tốt (chỉ số chất lượng nước (WQI) dao động từ 78 – 96), chất lượng môi trường nước tại vùng nuôi Trí Nguyên có cải thiện so với cùng kỳ năm 2022 (WQI tháng 9/2022 ở mức trung bình). Kết quả quan trắc cụ thể như sau:
– Các thông số nhiệt độ, độ mặn, pH, N-NO-, COD, S2 (H2S), Coliform nằm trong giới hạn cho phép (GHCP). Nồng độ N-NH4 cao vượt giới hạn cho phép tại vùng nuôi Bình Ba; nồng độ ôxy hòa tan (DO) nằm ngoài GHCP tại một số vùng nuôi.
– Chỉ tiêu Vibrio spp. hầu như vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các vùng nuôi lấy mẫu.
– Tảo độc xuất hiện trong môi trường nước nuôi nhưng ở mật độ thấp, chưa ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.
Giám sát dịch bệnh
Triển khai lấy các mẫu giám sát dịch bệnh tìm tác nhân gây bệnh sữa, vi khuẩn V. alginolyticus gây bệnh đỏ thân và Vibrio tổng số. Trong tháng 9/2023, đã lấy mẫu 2 đợt là 12 mẫu tôm hùm xanh (6 mẫu/1 đợt) tại khu vực nuôi Lạch Cổ Cò (Vạn Thạnh). Kết quả phát hiện 3/12 mẫu có tác nhân gây bệnh sữa (chiếm 25%), 3/12 mẫu có vi khuẩn V. alginolyticus gây bệnh đỏ thân. Mật độ vi khuẩn tổng số Vibrio spp. ở cả 2 đợt lấy mẫu, dao động từ 8,9×103 – 5,7×105 CFU/g và đều cao vượt ngưỡng cho phép (ngưỡng cho phép <103 CFU/g).
Với mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt ngưỡng cho phép có nguy cơ gây ức chế đến các vi khuẩn có lợi trong đường ruột từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của vật nuôi, làm giảm ăn, chậm lớn; bên cạnh đó có thể gây bội nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi khi cơ thể xuất hiện vết thương, khiến tôm hùm chết nhanh chóng.
Kết quả giám sát dịch bệnh trên tôm hùm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Ngày 22/9/2023, Chi cục nhận được thông tin về việc tôm hùm nuôi lồng chết tại vùng nuôi Cam Lập, TP Cam Ranh và đã tiến hành thu thập thông tin dịch tễ vùng nuôi. Tôm có hiện tượng chết trong 2 ngày bắt đầu từ sáng ngày 21/9/2023 sau khi cho tôm ăn, tôm chết không có dấu hiệu lâm sàng bệnh đặc trưng. Kết quả đo các chỉ tiêu môi trường vùng nuôi cho thấy hầu hết các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng hàm lượng ôxy hòa tan ở mức rất thấp (2 mg/l). Theo thông tin ghi nhận, tôm hùm nuôi bị chết nằm giáp ranh khu vực có luồng nước màu đỏ rộng 200 m dài 600 m cách bờ 500 – 600 m. Nhận định ban đầu do ảnh hưởng của luồng nước đỏ (khả năng do tảo nở hoa), khiến cho hàm lượng ôxy hòa tan trong nước xuống thấp đã gây chết cho tôm.
Khuyến cáo
Kết hợp kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu NTTS III và kết quả giám sát dịch bệnh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tháng 9/2023, Chi cục khuyến cáo người nuôi tôm hùm như sau:
– Thực hiện các biện pháp tăng cường lưu thông dòng nước như: Vệ sinh lồng, thu gom rác thải, hạn chế hàu, rong bám nhằm tạo điều kiện trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi, san thưa mật độ tôm nuôi. Cần loại bỏ hoàn toàn vỏ tôm lột, tôm chết ra khỏi khu vực nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường, tích tụ thành trầm tích dưới đáy biển. Đồng thời, treo túi vôi quanh lồng/bè hạn chế mật độ vi khuẩn Vibrio spp. cao; dự phòng ôxy nguyên chất, chuẩn bị máy sục khí phòng khi tôm thiếu ôxy cục bộ.
– Che mát lồng/bè bằng lưới lan 2 lớp, màu đen. Đối với lồng chìm, lưu ý độ sâu từ mặt nước đến nắp lồng cần trên 2 m.
– Người nuôi cần sát khuẩn thức ăn tươi bằng thuốc tím (1 g thuốc tím/100 lít nước); đồng thời kiểm soát lượng thức
ăn đưa vào lồng nuôi, giảm lượng thức ăn cho tôm khi có mưa to, thu hoạch tôm khi đã đạt kích cỡ thương phẩm tránh rủi ro. Lặn và quan sát tình trạng sức khỏe tôm nuôi hàng ngày để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu bất thường.
– Theo dõi thời tiết trong khu vực, chủ động xây dựng phương án khi thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, bất chợt như: tu sửa, gia cố lồng/bè, lưới lồng, dây neo; đưa các bè không còn tôm nuôi lên bờ.
– Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất, nhằm cải thiện sức khỏe và hệ men đường ruột của tôm hùm nuôi.
– Tuân thủ các quy định về khoảng cách lồng/ bè nuôi theo quy định, đảm bảo sự lưu thông dòng chảy trong khu vực nuôi.
>> Ngày 11/10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh về việc tôm hùm tại xã Cam Lập (TP Cam Ranh) và hàu tại khu vực đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) bị chết hàng loạt. Bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi Cục trưởng cho biết, hiện tượng tôm hùm chết đang diễn ra và gây tổn thất lớn cho người dân nuôi ở xã Cam Lập.
(Nguồn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa)