Mặc dù mới đi vào hoạt động và chưa chạy hết công suất nhưng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá đã mang lại những hiệu quả đáng kể cho cả DN và người dân địa phương.
Khởi đầu tích cực
Được hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2012, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá đã có sự khởi đầu khá tích cực. Chia sẻ về điều này, ông Hồ Thanh Ngọc, Giám đốc DNTN Ngọc Tuấn (đơn vị thụ hưởng) cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, mô hình mới chính thức hoạt động được hơn 3 tháng và đạt khoảng 60% công suất nhưng dây chuyền sản xuất hiện đã hoạt động khá ổn định, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho 68 lao động địa phương và các vùng lân cận với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ngọc cũng cho biết, với tình hình nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu dùng ổn định như hiện nay, không lâu nữa mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá sẽ đạt 100% công suất thiết kế với 30,8 tấn thành phẩm/ngày. Hơn 100 lao động sẽ được tạo việc làm thường xuyên, thậm chí thời điểm vào vụ, nhà máy sẽ cần thêm khoảng 100 lao động thời vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Doanh thu bình quân mỗi năm của DN đạt khoảng 99,66 tỷ đồng…
Như vậy, mặc dù hoạt động chưa lâu nhưng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá đã đạt được những kết quả khả quan, khẳng định sự cần thiết cũng như tính khả thi của đề án.
Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị, đề án không chỉ ghi điểm với hiệu quả kinh tế rõ rệt mà hiệu quả xã hội đề án đạt được cũng không kém phần nổi bật khi đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào từ hơn 80% sản lượng thủy sản khai thác được hàng năm của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận, gồm các loại cá trích, nục, cơm trắng, duội, ruốc… Đây là những loài có giá trị kinh tế thấp, không mang lại thu nhập cao cho ngư dân nếu không qua công nghệ chế biến. Mô hình cũng đã giải quyết việc làm cho một lượng đáng kể lao động địa phương và vùng lân cận, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người lao động vùng nông thôn của tỉnh.
Khả năng nhân rộng cao
Không chỉ đạt được những hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rõ rệt mà theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Trị, mô hình còn có khả năng nhân rộng cao. Bởi là một tỉnh có nguồn lợi thủy sản dồi dào, Quảng Trị có ngư trường rộng trên 9.000km2, nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao với trữ lượng từ 120.000-150.000 tấn và sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 20.000-30.000 tấn. Ngoài ra, Quảng Trị còn có trên 4.000ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản. Thực tế những năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển của Quảng Trị đã tăng đáng kể với tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 16,2%, diện tích nuôi trồng bình quân tăng 18,8% mỗi năm. Và quan trọng là sản lượng khai thác thủy sản hàng năm ngoài những loại có giá trị xuất khẩu cao như mực, tôm, cá thu, cá ngừ… thì có tới 80% sản lượng khai thác là các loài cá trích, nục, cơm trắng… Như đã nói, đây là các loại cá có giá trị kinh tế thấp nếu không qua công nghệ chế biến.
Cùng với đó, xét về mặt thị trường thì thị trường tiêu thụ trong nước của mô hình có quy mô không hạn chế khi nhu cầu nguyên liệu của những tỉnh thành có truyền thống chế biến thức ăn gia súc như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là rất lớn. Thị trường xuất khẩu của sản phẩm cũng khá rộng mở khi hiện nay khách hàng Trung Quốc đã đến tận cơ sở sản xuất để thu mua sản phẩm.
Và một điểm rất quan trọng là mô hình không gặp phải sự cạnh tranh khi cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, một số cơ sở chế biến nước mắm ruốc và khoảng 60 lò hấp cá. Tuy nhiên, ngoài nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (chế biến mực xuất khẩu) thì các cơ sở chế biến khác chủ yếu mang quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình với công nghệ sản xuất thủ công và lạc hậu…
Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ tốt, không có sự cạnh tranh đáng kể, dây chuyền sản xuất hiện đại…, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá có khả năng nhân rộng rất cao. Và mô hình được kỳ vọng sẽ tạo ra tiền đề tốt cho sự phát triển của ngành chế biến thủy sản tỉnh Quảng Trị.
>> Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cá khô và bột cá có tổng mức đầu tư 12,28 tỷ đồng, công suất thiết kế đạt 30,8 tấn thành phẩm/ngày do DNTN Ngọc Tuấn làm đơn vị thực hiện và thụ hưởng. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh đã hỗ trợ cho DN 220 triệu đồng đầu tư thiết bị sản xuất. |