Khuyến ngư Kiên Giang: Hiệu quả từ khuyến nông viên cơ sở

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm qua, mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư viên cơ sở của tỉnh Kiên Giang đã phát huy hiệu quả. Điển hình là mô hình Tổ kinh tế kỹ thuật (KTKT) nông nghiệp ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh giúp phát huy thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản tại địa phương.


Cách làm hay

Nhằm triển khai mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư xuống tận tuyến cơ sở, Tổ KTKT nông nghiệp, nông thôn xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã được thành lập. Mỗi tổ KTKT được bố trí 3 cán bộ gồm chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi – thú y và nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư ở Kiên Giang những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Kiên Giang cho biết, cán bộ khuyến nông cơ sở không chỉ là cầu nối để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn là người trực tiếp cùng nông dân bắt tay thực hiện những mô hình khuyến nông mới.

Thực tế cho thấy, cán bộ khuyến nông cơ sở có vai trò rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp tại địa phương, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, họ còn là người cùng với chính quyền địa phương triển khai tốt lịch sản xuất, phát hiện kịp thời và khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đối tượng nuôi, đồng thời kết hợp với các ban ngành đoàn thể để dạy nghề cho nông dân… Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 300.000 tấn, tăng 16% so cùng kỳ. Diện tích thả tôm nuôi 88.326 ha, đạt 99% kế hoạch năm, sản lượng thu hoạch gần 20.000 tấn, bằng 37%.

Mô hình tôm – lúa đang phát huy hiệu quả ở Kiên Giang – Ảnh: Diệu Lữ

 

Hiệu quả từ những mô hình

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Kiên Giang đã triển khai nhiều mô hình khuyến ngư mới và đạt được những hiệu quả rất khả quan, như: mô hình nuôi cá chình suối, nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa, nuôi cá bóp kết hợp với cá mú đen, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP… Hầu hết các mô hình khuyến ngư triển khai trên địa bàn tỉnh đều mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nông dân nhiệt tình hưởng ứng.

Nông dân Nguyễn Văn Rê, ở xã Hòa An, huyện Giồng Riềng vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có 10.000 m2 đất sản xuất, trước đây làm lúa 2 vụ chỉ đủ ăn. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi luân canh tôm càng xanh. Vụ tôm đầu tiên gia đình tôi đã thu được gần 1,4 tấn tôm thương phẩm, bán được 140 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi hơn 61 triệu đồng. Nhờ hiệu quả con tôm đem lại, gia đình tôi tiếp tục triển khai mô hình đến nay”.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khyến nông – Khuyến ngư Kiên Giang nhận xét, mô hình nuôi tôm càng xanh không xa lạ với nông dân Đồng Tháp, An Giang nhưng đối với Kiên Giang mới được nhân rộng trong vài năm gần đây, hứa hẹn đầy triển vọng, góp phần phá thế độc canh cây lúa ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Các mô hình nuôi cá lồng, bè trên biển cũng mang lại kết quả tốt cho người dân, nhiều hộ ngư dân đã có thu nhập cao, hàng trăm triệu đồng hàng năm. Trung bình mỗi lồng nuôi khoảng 50 m3 sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 30 triệu đồng.

Các mô hình khuyến ngư đang được triển khai trong năm 2014 kết quả bước đầu cũng đầy triển vọng như: Mô hình tôm – lúa quản lý cộng đồng được triển khai trên địa bàn xã Nam Thái A, huyện An Biên với 25 hộ tham gia, diện tích 42 ha. Đến nay, tôm đạt trọng lượng trung bình 100 con/kg. Hiện, cán bộ Trung tâm đang tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật. Mô hình nuôi cua biển được triển khai 4 điểm trình diễn tại huyện Vĩnh Thuận, mỗi điểm quy mô 10.000 m2, mật độ 0,5 con/m2; hiện, cua nuôi được 13 tháng, trọng lượng trung bình 150 g/con…

>> Những tháng cuối năm, toàn tỉnh Kiên Giang phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ đạt tổng diện tích 89.000 ha, với các loại hình thâm canh, bán thâm canh 2.235 ha; tôm – lúa 69.665 ha; nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến 17.100 ha.

Bùi Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!