Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một trong những mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế Việt Nam. Mấy năm nay, công tác này đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Góp phần trong đó, phải kể tới các hoạt động khuyến ngư.
Chú trọng hàng đầu
Trong vòng 20 năm (1990 – 2010), Việt Nam là một trong những nước thành công trong quá trình phát triển kinh tế và giảm nghèo; tỷ lệ nghèo đã giảm gần 60%, xuống còn 20,7%, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã tổ chức “Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh XĐGN” cho 38 nước, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cũng trong nhóm 18 nước được công nhận sớm đạt Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG 1), hướng tới giảm 1/2 số người bị đói vào năm 2015.
Xác định khuyến ngư đang ngày càng có vai trò quan trọng, ngày 4/6/3013, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 – 2020, trong đó có khuyến ngư. Với mục tiêu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái chung và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, tập trung vào các định hướng ưu tiên: phát triển thủy sản nước lợ, mặn; nuôi trồng thủy sản biển, hải đảo; nuôi thủy sản nước ngọt; trang bị ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến trong khai thác hải sản xa bờ; sơ chế bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động, phổ biến công tác khuyến ngư tới các địa phương và thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là tại vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.
Cải thiện đời sống
Bình Định là tỉnh thường xuyên tập trung nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN – KN) tỉnh đã chuyển giao 24 mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo phương pháp “Tuần hoàn ít thay nước”, “Tuần hoàn khép kín”, nuôi thâm canh…, giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Triển khai mô hình trồng rong sụn thử nghiệm từ năm 1993 ở Phước Dinh, nay đã phát triển rộng khắp các xã ven biển, với diện tích 162,5 ha, sản lượng 312,5 tấn khô, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập và XĐGN cho ngư dân miền biển. Trong khai thác hải sản, triển khai ứng dụng mô hình vây rút chì cải tiến, sử dụng máy tầm ngư – định vị, máy dò ngang sonar cho hiệu quả khai thác tăng 1,2 – 1,5 lần, đưa sản lượng khai thác hải sản lên 250 – 300 tấn/năm. Triển khai ứng dụng bảo quản cá và mực bằng khay nhựa cho nghề giã cào ở phường Đông Hải, cho chất lượng sản phẩm tăng 2 – 3 lần, kéo dài thời gian bám biển lên 10 – 12 ngày, giúp tăng năng suất khai thác và tiết kiệm chi phí. Năm 2012, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh đạt 2%, giải quyết việc làm mới cho hơn 16.000 người, thu nhập bình quân 19,1 triệu đồng/người/năm.
Mô hình nuôi cá truyền thống đem lại hiệu quả cao – Ảnh: Quốc Minh
Năm 2012, Trạm KN – KN Đakrông (tỉnh Quảng Trị) triển khai xây dựng mô hình nuôi cá truyền thống tại các xã Tà Long, A Bung. Trên diện tích 4.000m2 nuôi cá trắm, rô phi, mè, chép, Trung tâm KN – KN tỉnh hỗ trợ 100% con giống và 50% thức ăn, với tổng số tiền trên 56 triệu đồng. Sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 85%, trọng lượng bình quân 0,6 kg/con; sản lượng thu hoạch ước đạt 4 tấn. Với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 66 triệu đồng. Mô hình này đã giúp người dân phát huy khả năng nuôi cá truyền thống, tạo sản phẩm giá trị kinh tế cao, tăng năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích; đồng thời giúp người dân miền núi có hướng đi phù hợp trong sản xuất, góp phần phát triển nuôi thủy sản trong tỉnh ngày càng mạnh.
Vượt khó
Những năm gần đây, trọng tâm dịch vụ khuyến ngư từ trung ương đến địa phương chủ yếu hướng vào nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác ở quy mô nhỏ lẻ. Hiện nay, công tác khuyến ngư cần tính đến việc giải quyết nhu cầu nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đánh bắt xa bờ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó hệ thống khuyến ngư chưa đủ tiềm lực kỹ thuật và tài chính để thực hiện những nhiệm vụ này.
Hoạt động khuyến ngư cần phải được đổi mới, chuyển chỉ đạo tập trung, chú trọng nhiều vào phần cung và có tính đối phó sang hoạt động linh hoạt đáp ứng nguồn cầu, với sự tham gia của nông dân, các thành phần, tổ chức xã hội; xã hội hoá công tác khuyến ngư.
Quá trình đổi mới hệ thống khuyến ngư, cần đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án; xây dựng chiến lược quốc gia có sự tham gia của người dân; thiết lập cơ sở dữ liệu có quy mô về các tài liệu khuyến ngư, qua đó thực nghiệm triển khai chiến lược quốc gia và đào tạo cán bộ khuyến ngư về việc sử dụng các phương pháp, hướng tiếp cận được đề cập trong chiến lược đó. Tăng cường nguồn lực, đổi mới cơ cấu đầu tư, đổi mới phương pháp chuyển giao công nghệ kỹ thuật thuần tuý sang cách tiếp cận mới, “đầu tiên là nông dân, cuối cùng cũng là nông dân”…
>> Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để hoạt động khuyến ngư tại miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả, cần tiến hành tập huấn, phổ biến kiến thức kỹ thuật cho cán bộ khuyến ngư địa phương và Bộ đội Biên phòng, vì họ gần và hiểu đời sống người dân, “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân hiểu và phát huy hết hiệu quả khuyến ngư. |