Khuyến nông Hà Nội nhạy bén và đổi mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – 30 năm đồng hành cùng nhà nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nổi bật, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô, mang lại diện mạo mới cho khu vực ngoại thành. Để làm được điều này, khuyến nông Hà Nội luôn nhạy bén và tư duy đổi mới, bắt kịp xu thế phát triển.

Lan tỏa nhiều mô hình mới

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã thực hiện được khoảng 400 mô hình khuyến nông trồng trọt, 360 mô hình khuyến nông chăn nuôi, phát triển các giống thủy sản góp phần vào việc thay đổi kinh tế của bà con, nhất là chuyển đổi các vùng trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả sang thủy sản đạt doanh thu gấp 3 – 4 lần so với trước.

Các mô hình khuyến nông hiện nay không chỉ nặng về chuyển giao kỹ thuật mà còn chú trọng đến việc phát triển thị trường, liên kết bốn nhà, liên kết chuỗi, bảo vệ môi trường… Khuyến nông đã trở thành cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần quan trọng vào sự thành công của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Hà Nội.

Một số kết quả hoạt động tiêu biểu của khuyến nông Hà Nội ở lĩnh vực thủy sản có thể kể đến như: nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá – lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa…

Mô hình nuôi cá chép theo hướng an toàn sinh học tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Cụ thể như mô hình nuôi kết hợp cá – lúa với quy mô 15 ha, thực hiện tại 7 điểm thuộc 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai đã khai thác tối đa quả kinh tế trên cùng diện tích. Kết quả cho thấy, với mối quan hệ tương hỗ, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, tiêu diệt các sâu bọ hại lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong chăm sóc lúa. Từ đó, đem lại nhiều lợi ích và năng suất lúa cao hơn. Cá sinh trưởng phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình trên 0,9 kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống.

Hay như mô hình nuôi tôm càng xanh (năng suất bình quân đạt 2.430 kg/ha), mô hình nuôi ếch lồng (năng suất trung bình đạt 12,6 kg/m3), mô hình nuôi cá rô phi đơn tính (năng suất bình quân đạt 15.300 kg/ha)… Qua đó, đã góp phần chuyển đổi các vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang NTTS có giá trị kinh tế cao hơn 3 – 4 lần so với cấy lúa.

Xã hội hóa hoạt động khuyến nông

Trong 30 năm hoạt động cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp, tổ chức khuyến nông không ngừng phát triển, lớn mạnh từ Trung ương, tỉnh đến cấp cơ sở, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Công tác khuyến nông của Hà Nội liên tục phát triển. Các mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết 4 “nhà” trong sản xuất…

Các trạm khuyến nông phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông. Trình độ năng lực của cán bộ cao, đồng đều, có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu về nhiệm vụ cũng như tiếp nhận và triển khai thực hiện được các chương trình, dự án quy mô lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô nói chung và khuyến nông nói riêng cần: Tổ chức hệ thống khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; kiện toàn đội ngũ khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; xã hội hóa công tác khuyến nông; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực nhằm chuyển đổi số; ưu tiên các hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất kết hợp với thị trường… Trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong NTTS, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

>> Sáng 20/4, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông Hà Nội (1993 - 2023). Ghi nhận những kết quả, đóng góp của hệ thống khuyến nông Hà Nội trong 30 năm và 20 năm hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 18 cá nhân; Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!