Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi: Điểm tựa cho khai thác, chế biến thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác và chế biến thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi. Để ngành phát triển hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động hữu ích, thiết thực.


Từ khai thác

Hiện Quảng Ngãi đã có gần 5.500 tàu cá với tổng công suất đã vượt hơn 1 triệu CV. Theo thống kê của các địa phương, hiện các bãi biển ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ, xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) có ít nhất 300 chiếc tàu công suất lớn đang được đóng mới, cải hoán nâng công suất. Ngư dân Quảng Ngãi đang từng bước hiện đại hóa tàu cá, trong đó có đóng tàu cá vỏ thép để nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt trên các vùng biển khơi xa, với sự chủ động, sáng tạo, năng động trong việc tìm kiếm ngư trường khai thác, chuyển từ đánh bắt gần bờ sang khai thác xa bờ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh việc đóng mới tàu công suất lớn, ngư dân Quảng Ngãi còn đầu tư bọc thép cho phần vỏ, mũi tàu cá, nhằm bảo vệ tàu vững vàng hơn, cùng với những trang thiết bị hiện đại, các loại máy dò ngang, định vị, Icom nên đánh bắt thuận lợi hơn nhiều.

Để hỗ trợ ngư dân trong khai thác, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh vừa lắp đặt và hướng dẫn sử dụng máy dò ngang Sonar JMC DSL-1000-180 trên tàu lưới vây rút chì QNg 91075 TS của ngư dân Võ Văn Danh tại xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Đây là mô hình máy dò ngang thứ hai được triển khai thực hiện ở tỉnh Quảng Ngãi. Máy dò ngang JMC DSL-1000-180 cho hình ảnh đàn cá rõ nét ở tất cả các vị trí quan sát khác nhau, ngay cả trong điều kiện tàu bị nghiêng, bị lắc. Menu sử dụng bằng tiếng Việt, rất phù hợp và dễ dàng sử dụng đối với bà con ngư dân. Máy dò ngang cho phép quan sát đến 3600 trên các góc nghiêng, tầm dò đến 1.000m với 8 chế độ vận hành.

Đội tàu khai thác của Quảng Ngãi – Ảnh: Huy Hùng

Qua kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho thuyền trưởng quan sát được vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá… Ngoài ra, máy còn có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới thích hợp. Mặt khác, do quan sát được địa hình đáy biển nên đã giúp thuyền trưởng tránh được các sự cố về lưới.

Chuyến biển thực tế của ngư dân cho thấy, việc sử dụng máy dò ngang trên tàu đã mang lại hiệu quả tốt, sản lượng cá đánh bắt xấp xỉ cao, lãi trung bình mỗi chuyến khoảng hơn 100 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với sử dụng máy dò thông thường. Nhiều ngư dân địa phương nhận thấy năng suất và hiệu quả của máy nên rất quan tâm tìm hiểu và có ý định mua máy để trang bị trên tàu cá của mình. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ ngư dân.

 

Đến chế biến

Bên cạnh hỗ trợ khai thác, đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm có giá trị cao sau khai thác cũng được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi chú trọng. Năm qua, Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ 50% kinh phí để mua máy xay, tủ đông lạnh và tủ hấp cho hai hộ chế biến chả cá là bà Nguyễn Thị Hải ở Định Tân, Bình Châu và bà Trần Thị Cúc ở Phổ Thạnh, Đức Phổ.

Bà Nguyễn Thị Hải, chủ cơ sở chả cá Hải Thuyền cho biết, trước đây các công đoạn dều làm theo kiểu thủ công, nên bình quân mỗi cơ sở làm chả ở Định Tân đều thuê từ 4 đến 5 nhân công, làm việc cật lực được 70 – 100 kg chả cá. Trong khi đó, máy xay chả 2 lớp được làm bằng inox chuẩn của ngành thực phẩm, không bị rỉ sét. Thời gian xay mỗi mẻ chỉ từ 3 – 4 phút. Tủ hấp điện có hệ thống lấy nước tự động, có thiết bị hẹn giờ, chống ngập, chống tràn, báo động và tự ngắt điện khi đã đủ thời gian nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức. Làm chả cá theo phương pháp mới không chỉ dễ làm, tiết kiệm được thời gian mà chủ cơ sở sản xuất còn tiết kiệm được thêm chi phí nhân công, vì hầu hết các công đoạn đều đã thực hiện bằng máy.

Sau khi Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thiết bị tại Định Tân, nhận thấy được sự thuận tiện của máy móc trong chế biến, ông Nguyễn Thanh Tân, chủ cơ sở chả cá Thanh Tân ở Định Tân, Bình Châu cũng áp dụng theo, mua máy để hiện đại hóa quy trình làm chả cá. Nói về sự tiện dụng sau khi có tủ hấp, ông Tân phấn khởi: “Hấp chả cá theo kiểu cũ vừa tốn công, lại vừa tốn thời gian, khi 60 phút mà chỉ hấp được khoảng 50 ký chả cá. Còn giờ, với tủ hấp điện này, 70 phút là hấp chín 100 ký chả. Cũng không cần phải châm nước, canh lửa… nên thuận tiện hơn rất nhiều”.

Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, việc hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân trong thay đổi phương pháp chế biến thủy sản là rất cần thiết và luôn nhận được sự quan tâm của người dân làm nghề. Được biết, năm 2012, Trung tâm cũng có những hoạt động hỗ trợ cơ sở chế biến thủy sản như cơ sở chế biến mực khô mua máy hút chân không, máy cán mực và giàn phơi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khai thác, ngư dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc với điều kiện trị giá của thiết bị không vượt quá 175 triệu đồng, thì trong lĩnh vực chế biến thủy sản, cơ sở chế biến sẽ được hỗ trợ 50% trong điều kiện trị giá của thiết bị không vượt qua 70 triệu đồng. Từ 2012 đến nay, hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mới chỉ được thực hiện với 3 cơ sở. Trong khi trên địa bàn tỉnh, số cơ sở chế biến thủy sản đang cần được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ là rất lớn.        

>> Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67, tàu cá QNg 98919 của ngư dân Nguyễn Sáu xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ chính thức được hạ thủy. Đây cũng là chiếc tàu cá đầu tiên được đóng mới bằng vỏ gỗ. Theo thiết kế, tàu cá được lắp đặt 2 máy với tổng công suất là 765 CV có sức chứa khoảng 150 tấn, dài 22 m, rộng 6,8 m, cao 3,5 m, tổng kinh phí 6,3 tỷ đồng, trong đó, vốn được vay theo Nghị định 67 là 4,4 tỷ đồng.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!