Khuyến nông: Thực hiện phương châm “Thắp sáng hơn đổ đầy”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Hoạt động khuyến nông trong những năm tiếp theo cần thực hiện tốt phương châm “Thắp sáng hơn đổ đầy” thực hiện đồng bộ việc xây dựng mô hình gắn với đào tạo, tập huấn (tại mô hình) và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để một người làm, nghìn người biết, trăm hộ học tập làm theo”. Đây là nhận định của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến ngư trong thời gian tới.

Chú trọng thông tin tuyên truyền

Trong những năm qua, hoạt động thông tin tuyên truyền luôn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chú trọng. Đây được xem là kênh thông tin hiệu quả trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình đến với nông dân, ngư dân. Năm 2020, lĩnh vực khuyến ngư tổ chức 10 diễn đàn, tọa đàm tập trung về các nội dung quan trọng như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác hải sản xa bờ tại Khánh Hòa; nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững trên biển tại Kiên Giang; nuôi TTCT thâm canh đạt hiệu quả cao và bền vững tại Thừa Thiên – Huế; nuôi thủy sản công nghệ cao không ô nhiễm môi trường tại An Giang; tọa đàm tôm – lúa tại Bến Tre; nuôi xen ghép tại Thái Bình; nuôi cá – lúa tại Hà Nội… Các sự kiện trên đã đón tiếp 1.900 đại biểu tham dự, trả lời và tư vấn 1.500 câu hỏi trực tiếp. Diễn đàn, tọa đàm triển khai đúng mùa vụ phục vụ cho ngư dân kịp thời và hiệu quả cao. Đặc biệt, diễn đàn đã tiến hành đổi mới theo hướng hỏi đáp tại hiện trường, bà con mang tôm, cá, nước… đến và chuyên gia tư vấn, giải đáp trực tiếp, cách làm mới này được người dân đánh giá là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và sát thực, hiệu quả không nhàm chán.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo huấn luyện cũng được Trung tâm đề cao nhờ phương pháp mới, thiết thực đối với nông dân, ngư dân. Cụ thể, lĩnh vực khuyến ngư cả nước đào tạo 60 lớp phương pháp, kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi cho 1.800 học viên, với phương pháp mới, tăng trực quan, giảm lý thuyết, gắn học với hành, sau khi học xong học viên được nâng cao kỹ năng, phương pháp tập huấn cho nông dân, ngư dân. Các dự án khuyến ngư đã đào tạo chuyên môn cho gần 3.000 học viên, hội nghị đầu bờ, tổng kết nhân rộng mô hình cho 3.200 nông dân. Nhờ xây dựng kết hợp đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền nên mô hình được nhân rộng nhanh.

Phát huy đúng tinh thần xung kích

Năm 2020 lĩnh vực khuyến ngư có 20 dự án, triển khai trên 7 vùng của cả nước, các dự án đều thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả cao trong sản xuất. Quy mô thực hiện đạt 79 ha NTTS bao gồm cả nước mặn, lợ, ngọt; 2.300 m3 lồng bè; 12.000 lồng (3.000 m2) nuôi nhuyễn thể; 18 tàu khai thác hải sản xa bờ; triển khai 110 lớp tập huấn cho 2.964 nông dân, ngư dân; 65 cuộc hội thảo, hội nghị đầu bờ, sơ, tổng kết mô hình với 3.133 hộ tham dự. Một số mô hình tiêu biểu đạt hiệu quả rất cao và có ý nghĩa lớn trong thực tiễn sản xuất, được nhân rộng nhanh như: Mô hình tôm càng xanh – lúa trên vùng đất chuyển đổi; nuôi TTCT 2 giai đoạn 4.0; nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc; xây dựng hầm bảo quản trên tàu khai thác hải sản xa bờ…

Trước những kết quả đạt được, tại Hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tập thể Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói riêng và hệ thống khuyến nông toàn quốc nói chung trong năm 2020. Trong bối cảnh ngành NN&PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sản xuất, thị trường, hệ thống khuyến nông cả nước nói chung (trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu tàu) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống thiên tai, dịch bệnh để giúp cho ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình xây dựng Nông thôn mới có hiệu quả. Đối với những vấn đề nóng của ngành như thiên tai, dịch bệnh, hệ thống khuyến nông đã vào cuộc hết sức chủ động, đề xuất, tham mưu để triển khai các hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, phát huy đúng tinh thần xung kích của khuyến nông.

Để hoạt động khuyến ngư được hiệu quả hơn, theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hoạt động khuyến nông trong những năm tiếp theo cần thực hiện tốt phương châm “Thắp sáng hơn đổ đầy” thực hiện đồng bộ việc xây dựng mô hình gắn với đào tạo, tập huấn (tại mô hình) và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để một người làm, ngàn người biết, trăm hộ học tập làm theo.

Giải pháp đồng bộ

Ba nội dung trên phải gắn chặt với nhau, không được coi nhẹ nội dung nào, thậm chí xây dựng mô hình không cần lớn, chỉ cần hiệu quả sau đó tổ chức đào tạo tại mô hình và thông tin tuyên truyền nhân rộng, người nông dân được mắt thấy, tai nghe thì hiệu quả lan tỏa sẽ rất nhanh. Mặt khác, mỗi cán bộ khuyến nông cũng cần đổi mới tư duy từ hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình sang tư duy kết nối. Phải kết nối nhanh khoa học công nghệ với sản xuất và kết nối sản xuất với thị trường; đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp vì trong thực tiễn ai nắm thị trường thì người đó dẫn dắt sản xuất, trong kết nối không thể thiếu doanh nghiệp đầu tàu và thực tiễn trong liên kết theo hình thức đối tác công – tư (PPP) năm 2020 đã chứng minh điều đó.

Riêng đối với Trung tâm khuyến nông các tỉnh, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, đặc biệt là cán bộ giảng dạy TOT, đội ngũ cán bộ này cần giỏi phương pháp, giỏi chuyên môn, có thái độ tốt để giảng giải cho bà con nông dân; vì giỏi phương pháp để tổ chức lớp tập huấn khoa học, phân tích logic, không áp đặt; giỏi chuyên môn để nói ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, cụ thể, kỹ lưỡng, giúp cho dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; có thái độ tốt mới nhiệt tình, tận tình, chu đoán và vui vẻ…

Động lực và khát vọng làm giàu cho nông dân

Đề nghị trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, xứng đáng với kỳ vọng của Bộ, ngành và nông dân. Đặc biệt, công tác khuyến nông cần đi vào chiều sâu, không chỉ làm mô hình “cho cần câu” và “dạy cách câu cá” như hiện nay, mà còn cần phải truyền lửa, sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu cho người dân… Thông qua khuyến nông, cần phát hiện được những nút thắt của ngành nông nghiệp, đời sống nông thôn, nông dân.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!