(TSVN) – Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đầu ra của sản phẩm thủy sản. Người nuôi cần nắm vững kiến thức về loại kháng sinh khi sử dụng để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả.
Hiện nay, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng cá nuôi nước ngọt chủ lực, cung cấp thực phẩm trong nước và là mặt hàng xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Trong đó, ĐBSCL là khu vực đứng đầu về quy mô và sản lượng thủy sản trong cả nước. Mô hình nuôi cũng thay đổi nhanh chóng từ quảng canh sang thâm canh, diện tích nuôi ngày một mở rộng nên vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều. Song song với đó là việc sử dụng thuốc, hóa chất tăng lên. Theo khảo sát, chi phí cho sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra là khoảng 500 – 1.000 đồng/kg cá.
Theo PGS. TS Trần Minh Phú, Khoa Thủy sản, Đại học cần Thơ, hiện nay, trong nuôi cá tra, việc sử dụng kháng sinh vẫn còn phổ biến, đặc biệt là trong điều trị bệnh gan thận mủ và xuất huyết. Đây là những bệnh có tần số xuất hiện cao trên cá tra nuôi thâm canh và đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Để hạn chế thiệt hại các bệnh do vi khuẩn gây ra, nhiều loại thuốc kháng sinh đã được người nuôi cá tra sử dụng. Cụ thể, có tới 80 – 100% người nuôi cá tra đã sử dụng kháng sinh điều trị bệnh do vi khuẩn. Cùng đó, ở những khu vực nuôi khác nhau, việc sử dụng kháng sinh cũng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế do đó, hiệu quả mang lại thường không cao. Bởi để điều trị bệnh bằng kháng sinh hiệu quả thì người nuôi cần biết được MIC (Minimum Inhibitory Concentration) – là nồng độ tối thiểu của kháng sinh có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn ở mức có thể quan sát được. Nhưng vấn đề này không phải hộ nuôi nào cũng có thể nắm được.
Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh quá mức, không đúng quy định, có thể tác động đến môi trường, hệ sinh thái. Kháng sinh còn có thể tồn lưu rất lâu trong đấy, môi trường nuôi hoặc thậm chí để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh của các loài vi khuẩn gây bệnh trên cá. Chính vì thế, để điều trị bệnh bằng kháng sinh hiệu quả, người nuôi không những chỉ nắm vững kiến thức về đặc điểm vi khuẩn gây bệnh, biện pháp chẩn đoán và phòng bệnh mà còn phải có kiến thức cơ bản về tính chất của một số hóa chất và thuốc dùng trong thủy sản.
PGS.TS Trần Minh Phú chia sẻ, người nuôi cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Chỉ khi đã xác định rõ ràng mầm bệnh, mới có thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh. Dùng đúng bệnh, đúng thuốc (loại khuẩn nào thì dùng kháng sinh đó). Bảo quản đúng cách. Khi tiếp xúc với thuốc phải dùng bảo hộ.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản ở các địa phương sẽ có kết quả kháng sinh đồ của khu vực. Vì vậy, người nuôi có thể tham khảo để sử dụng thuốc hiệu quả, liều lượng theo hướng dẫn của các nhà sản xuất. Nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, thông tin rõ ràng, đến từ các công ty có tên tuổi, đã được chứng nhận, kiểm duyệt chặt chẽ và lưu hành rộng rãi trên thị trường.
Người nuôi cần đảm bảo ngừng sử dụng kháng sinh trong một thời gian nhất định trước khi thu hoach. Thông thường, thời gian tối thiểu sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch là 15 ngày, tốt nhất 30 ngày, tuy nhiên đối với một số loại kháng sinh, thời gian có thể dài hơn, có loại lên tới 45 ngày.
Để nâng cao kiến thức cho người nuôi, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ, Chi cục Thủy sản các tỉnh cũng cần tổ chức nhiều khóa tập huấn về chẩn đoán bệnh và sử dụng thuốc, hóa chất.
Trần Tiến