T2, 06/07/2020 09:56

Kiểm tra kháng sinh 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu: Hiệu quả chưa cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, sau khi áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada, số lô hàng thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh sang các thị trường này vẫn không giảm, trong khi chi phí cho lô hàng thủy sản lại tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quyết định số 2654 của Bộ NN&PTNT về việc “Quy định các biện pháp kiểm tra tăng cường về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào Canada và Nhật Bản” có hiệu lực từ 31/10/2011, các doanh nghiệp chế biến có hệ thống kiểm soát chất lượng tốt, chưa bị cảnh báo hoặc rất ít bị thị trường cảnh báo cũng bị kiểm tra 100% lô hàng giống như các doanh nghiệp chưa đạt hoặc đã bị cảnh báo. Điều này tạo ra sự không công bằng, gây tốn kém cho xã hội và cho các doanh nghiệp có uy tín và hệ thống tự kiểm tra tốt cũng như không khuyến khích được các doanh nghiệp tăng cường hệ thống tự kiểm tra.

Kiểm tra kháng sinh 100% lô hàng thủy sản làm tăng chi phí nhưng chưa hiệu quả

Mặt khác, một số không ít các lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada có sử dụng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu. Các lô nguyên liệu thủy sản khi nhập khẩu vào Việt Nam đều đã có Chứng thư vệ sinh của nước xuất khẩu, đồng thời cũng đã được cơ quan Thú y thuộc Bộ NN&PTNT lấy mẫu kiểm tra. Hơn nữa, trong thực tế các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam đã đạt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và không sử dụng kháng sinh trong quá trình chế biến.

Do vậy, VASEP kiến nghị, chỉ kiểm tra kháng sinh 100% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada khi có lô hàng bị nước nhập khẩu phát hiện và cảnh báo đối với các chỉ tiêu nêu trên, và nếu doanh nghiệp có liên tiếp 10 lô hàng không bị các cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản và Canada cảnh báo hóa chất, kháng sinh cấm thì cho phép miễn kiểm tra kháng sinh. Đối với các lô hàng xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu tôm biển, kiến nghị miễn kiểm tra kháng sinh 100% đối với các lô hàng xuất khẩu.        

>> Khi áp dụng Quyết định số 2654, với mỗi container), doanh nghiệp phải trả thêm từ 4,5-10 triệu đồng. Đồng thời, còn làm tăng thêm thời gian trữ hàng và chờ đợi kết quả từ 7-10 ngày để sắp xếp lịch tàu và làm thủ tục xuất khẩu, điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trí Quang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!