(TSVN) – Kiên Giang là tỉnh có hoạt động khai thác rất phát triển, tuy nhiên, đi kèm với đó cũng có những khó khăn. Để hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp cấp bách thực hiện chống khai thác IUU.
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 11.760 tàu đánh cá, trong đó tàu đủ điều kiện khai thác xa bờ gần 4.000 chiếc. Số còn lại công suất vừa và nhỏ khai thác vùng lộng, vùng bờ và nhất là phương tiện công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh đã thực hiện dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản, nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả.
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy, hải sản biển hợp lý. Trên cơ sở tính toán lại sản lượng khai thác tối ưu của vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, tỉnh cũng đề ra các giải pháp sắp xếp lại, cơ cấu nghề khai thác theo từng vùng, bố trí số lượng tàu cá phù hợp, kết hợp tăng cường với việc quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả, tỉnh Kiên Giang thực hiện Dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang”. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh thực hiện đề án nhằm đánh giá được năng lực khai thác về hiện trạng khai thác, ngư cụ, ngư trường, mùa vụ khai thác, hiệu quả kinh tế… của các nghề ở vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang và hiện trạng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển. Qua đó, tỉnh phân vùng khai thác và sắp xếp lại cơ cấu đội tàu phù hợp cho vùng biển ven bờ và vùng lộng; đồng thời đề xuất các giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế chính sách phát triển đội tàu cá ở vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang theo hướng bền vững.
Thực hiện dự án này, tỉnh đề ra các giải pháp phân vùng quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy định kích thước tối thiểu của một số đối tượng khai thác chính trên vùng biển Kiên Giang; quy định nghề và ngư cụ cấm khai thác; thành lập khu bảo tồn biển; xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thích hợp…
Năm 2021, tỉnh Kiên Giang kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định hiện hành, vận động, khuyến cáo ngư dân đầu tư nâng cấp các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác thủy sản và bảo quản sản phẩm sau khai thác, nhằm giảm sử dụng nguồn lao động trên tàu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác. Cùng đó, tiếp tục thực hiện Dự án hợp tác với Nhật Bản thí điểm ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm hải sản bằng đá sệt và bể cá FRP (bể cá nhựa composite). Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế; nhằm tiến tới chấm dứt khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tổ chức đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của ngư dân Kiên Giang.
Ngày 27/5/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức tôn trọng chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển; từ đó hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật của các quốc gia có biển trong khu vực, trong lĩnh vực khai thác thủy sản, tình hình an ninh trật tự trên biển. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Các cấp, các ngành, địa phương phải tăng cường công tác đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo thiết thực phù hợp với từng đối tượng, vận động ngư dân và nhân dân tích cực hưởng ứng, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Kiên Giang khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Xuân Lan