(TSVN) – Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường biến đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi nên mầm bệnh dễ tấn công, gây ra dịch bệnh. Tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh có 152,45 ha tôm nước lợ bị thiệt hại; trong đó có 134,75 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh; 17,7 ha tôm thiệt hại do sốc môi trường tập trung tại các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Gò Quao,…
Thiệt hại lớn
Nắng nóng khiến cho nhiệt độ nước ao tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp và tiêu hóa của tôm, khiến tôm bỏ ăn, chậm lớn, dễ mắc bệnh. Đồng thời tốc độ phân hủy chất hữu cơ trong ao cũng diễn ra nhanh hơn, dẫn đến thiếu ôxy cho tôm. Tôm thiếu ôxy sẽ yếu đi, dễ bị bệnh và chết.
Tại Kiên Giang, dịch bệnh trên tôm xảy ra vào cao điểm nắng nóng mùa khô, khoảng từ đầu tháng 3/2025 đến nay. Theo đó, đã có một số hộ thu hoạch tôm nhưng sản lượng đạt thấp, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí mua con giống, cải tạo ao nuôi. Phần lớn hộ dân có tôm bệnh đều chết đồng loạt, thiệt hại 100%, không thu hồi được vốn.
Theo chia sẻ của các hộ nuôi tôm tại vùng U Minh Thượng, mùa nắng nóng cao điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm, nhiệt độ môi trường thường xuyên vượt ngưỡng 36 – 370C, kéo theo nhiệt độ nước trong ao nuôi tăng lên, gây bất lợi cho sự sinh trưởng của tôm nuôi.
Phần lớn hộ dân có tôm bệnh đều chết đồng loạt, thiệt hại 100%, không thu hồi được vốn (Ảnh minh họa). Ảnh: Hữu Tuấn
Anh Đỗ Văn Sum, ấp Cái Nứa, xã Bình Minh (huyện Vĩnh Thuận) cho biết: “Năm nay thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều ngày, dịch bệnh lây lan nhanh. Xung quanh có 10 hộ nuôi thì hết 8 hộ có tôm bị thiệt hại gần như toàn bộ diện tích thả nuôi đợt đầu. Hiện tôm nuôi của tôi chưa được 2 tháng thì bắt đầu xuất hiện tình trạng nổi đầu, bơi yếu, bỏ ăn. Nhiều con bắt lên thấy thân đỏ, ruột không thức ăn, chết dần. Những ngày qua, tôi đã phải túc trực ngày đêm ngoài ao tôm. Nếu tôm vẫn duy trì được thì khoảng hơn nửa tháng nữa tôi sẽ thu hoạch. Lứa tôm đầu vụ coi như mất trắng, không thu hồi được vốn”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh có 152,45 ha tôm nước lợ bị thiệt hại; trong đó có 134,75 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh; 17,7ha tôm thiệt hại do sốc môi trường tập trung tại các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Gò Quao,…
Trong đó, bệnh đốm trắng do virus gây chết tôm chiếm gần 94% diện tích tôm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, một số bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính cũng xuất hiện trên tôm nuôi, khiến tôm giai đoạn 30 – 40 ngày bị chết rải rác, hao hụt, giảm năng suất và sản lượng, người nuôi phải thu hoạch sớm.
Xử lý và kiểm soát
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng thú y đã tiến hành cấp phát 12.720 kg hóa chất Chlorine cho 55 hộ nuôi tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tỉnh để xử lý mầm bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, hiện toàn tỉnh đã thả nuôi 127.726 ha tôm nước lợ, đạt 93,2% kế hoạch năm 2025; trong đó diện tích tôm nuôi công nghiệp đạt 1.560 ha, tôm – lúa 103.878 ha, tôm quảng canh cải tiến 22.288 ha. Đến nay, sản lượng thu hoạch ước đạt 15.232 tấn.
Từ nay đến hết vụ tôm nước lợ năm 2025, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi cho người nuôi, khả năng diện tích tôm nuôi tiếp tục bị phát sinh thiệt hại tăng mạnh trong thời gian tới là rất cao.
Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo, đối với các ao nuôi tôm công nghiệp, các hộ nuôi tăng cường bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ôxy cho tôm nuôi. Đồng thời kết hợp sử dụng thêm các chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường ao nuôi, bổ sung vào thức ăn cho tôm các khoáng chất, vi sinh đường ruột, Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Đồng thời, người dân thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi.
Đối với diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, yêu cầu người dân xử lý tốt môi trường nước trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài; vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống tôm kém chất lượng. Cùng đó, xử lý nghiêm các trường hợp người dân có tôm nhiễm bệnh không khai báo, xả thải ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh. Chi cục tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm miễn phí mẫu bệnh phẩm trên tôm và phát hóa chất Chlorine khi có dịch mới phát sinh.
Để giảm rủi ro, hạn chế tác động bất lợi từ môi trường đến tôm nuôi, người nuôi cần chủ động đầu tư thiết bị như máy sục khí ôxy, quạt nước, che ao bằng lưới lan, duy trì bơm cấp nước liên tục vào ao nuôi, sử dụng thêm các sản phẩm vi sinh để xử lý môi trường, tăng sức đề kháng cho tôm,…
Lê Loan