T2, 13/05/2024 10:29

Kiên Giang: Giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Tỉnh Kiên Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái ven biển.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Vì sự phát triển bền vững

Kiên Giang đặt các mục tiêu như hoàn thành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở vùng ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm trên địa bàn tỉnh; 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển được phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản năm 2024. Các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển Kiên Giang theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản. Các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như dugong, rùa biển, san hô được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá. 100% các huyện, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm. 

Có 06/ 09 huyện, thành phố ven biển, đảo trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh gắn với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý.

Thả ghẹ trứng và ghẹ con ra biển trong sự kiện Ngày hội Ghẹ xanh Kiên Giang tại Hàm Ninh, Phú Quốc; ảnh: WWF-Vietnam

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Điều tra, đánh giá và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi và môi trường sống các loài thủy sản 

– Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản ở vùng ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang định kỳ 5 năm, theo chuyên đề; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

– Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ cấp cơ sở đến tỉnh gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản ở vùng biển và nội địa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. 

Bảo tồn biển

– Rà soát, điều chỉnh diện tích, phân khu chức năng của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Thành lập 3 Khu Bảo tồn biển (quần đảo Thổ Châu, quần đảo Hải Tặc, Nam Du- Hòn Sơn), với diện tích mặt nước biển tự nhiên khoảng 34.030 ha (khi Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được phê duyệt, trong đó các Khu Bảo tồn biển đề xuất có trong Quy hoạch). 

– Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, trang bị cơ sở vật chất cho các khu bảo tồn biển; xây dựng các trung tâm, trạm, cơ sở cứu hộ thú biển, rùa biển, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại một số khu bảo tồn biển gắn với thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn biển và hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ tài nguyên sinh vật biển. 

– Kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư trong khu bảo tồn biển và các khu vực được khoanh vùng bảo tồn khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các khu bảo tồn biển đã được thành lập. 

– Nghiên cứu, đề xuất việc thí điểm giao tổ chức ngoài công lập quản lý khu bảo tồn biển nhằm phát huy trách nhiệm của các bên, huy động nguồn lực xã hội và năng lực quản lý tại chỗ cho công tác bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học. 

– Chuyển đổi nghề, sinh kế thay thế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển. 

– Xây dựng kế hoạch quản lý các khu bảo tồn biển đến năm 2030. Đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ làm việc tại các khu bảo tồn biển.

Bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản 

– Sau khi Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được phê duyệt (trong đó các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu thả rạn nhân tạo đề xuất có trong Quy hoạch): Thành lập 01 Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích 30.000 ha trên địa bàn huyện Kiên Lương để bảo vệ một số loài hải sản đặc thù của địa phương như nghêu lụa, sò huyết, sò lông… Thiết lập 01 Khu thả rạn nhân tạo với diện tích khoảng 508 ha trên địa bàn huyện Kiên Lương để nơi tập trung sinh sản, phát triển và cư trú an toàn cho các loài thủy sản. 

– Thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả. 

– Nuôi cấy bổ sung, phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn trong Khu Bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khu rạn nhân tạo.

– Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực cấm khai thác quanh năm, cấm khai thác có thời hạn trên vùng biển và các hồ tự nhiên, hồ chứa nước, các hệ thống sông chính trên địa bàn tỉnh để cho các loài thủy sản tập trung sinh sản, sinh sống và cư trú an toàn. 

– Đánh giá hiệu quả hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản vùng biển ven bờ và các hồ tự nhiên, hồ chứa nước, các hệ thống sông chính. 

Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản

– Điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa. 

– Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các Khu Bảo tồn biển, Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm. 

– Tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng: Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh, Công an huyện, thành phố… thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, trong vùng nội địa. 

– Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm pháp luật cho lực lượng kiểm ngư gắn với thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn biển và hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ tài nguyên sinh vật biển.

Hồng Hạnh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!