Kiên Giang: Giảm tổn thất hải sản nhờ công nghệ lạnh thấm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm phục vụ nhu cầu bảo quản thủy, hải sản sau khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch của ngư dân, một nhà sản xuất vừa áp dụng thành công việc lắp đặt hệ thống lạnh thấm (HTLT). Hệ thống được đưa vào vận hành đầu tiên trên tàu Nhật Nam (của ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá), bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Công nghệ lạnh thấm là một hệ thống phát lạnh, gồm: Một máy nén lạnh công suất 20 mã lực, được lai trực tiếp từ máy chính hoặc máy đèn của tàu; qua hệ thống trung gian đến hệ thống ống trao đổi nhiệt lắp đặt xung quanh thân và đáy của hầm tàu, tạo độ lạnh duy trì cho nước đá không tan chảy. Hệ thống này dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ trong khoảng 0-4 độ C.

Kiên Giang: Giảm tổn thất hải sản nhờ công nghệ lạnh thấm 

Áp dụng công nghệ lạnh thấm vừa giảm chi phí, vừa giữ mực, cá tươi ngon.

Theo anh Nguyễn Văn Trường (tài công tàu Nhật Nam), đây là chuyến đi biển thứ ba từ khi sử dụng HTLT. Trước đây, sản lượng hải sản sau khi đánh bắt theo cách bảo quản truyền thống, tỷ lệ cá hao hụt khoảng 10-15% sản lượng. Sau khi lắp đặt hệ thống này, gần như 100% cá đều đạt chất lượng tốt, tươi nguyên như mới đánh bắt, không bị mất giá khi bán ra thị trường.

Ngoài ra, khi áp dụng HTLT, thời gian bảo quản cá tươi lâu hơn, tạo điều kiện cho ngư dân kéo dài thời gian lao động trên biển, tăng năng suất, sản lượng khai thác hải sản và thu nhập sau mỗi chuyến biển. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Cty CPTVĐT Việt Đức, chủ cơ sở sáng chế HTLT, cho biết: “Ưu điểm của HTLT này là giữ cho nước đá không bị tan chảy trong suốt quá trình tàu khai thác thủy, hải sản, giúp hải sản bảo quản tốt hơn, cá không bị bể ruột, mực không bị đỏ và tróc da, giảm cân, không hạ giá thành sản phẩm. Hệ thống lắp đặt đơn giản, không chiếm nhiều không gian tàu và không cần thay đổi chỉnh sửa bất kỳ một kết cấu nào trên tàu”.

Việc áp dụng HTLT còn tiết kiệm được nước đá, nhiên liệu. Anh Trường cho biết: “Khi chưa lắp đặt HTLT, mỗi chuyến biển tàu tiêu hao 2.500 cây nước đá để bảo quản hải sản, sau khi lắp đặt hệ thống này, tàu chỉ tiêu hao 1.200 – 1.300 cây nước đá, vừa tiết kiệm nhiên liệu vận chuyển lượng nước đá này ra khơi”. Theo ông Đức, chi phí lắp đặt HTLT khoảng 400 triệu đồng cho tàu công suất 800-1.200CV. Với chi phí này, chỉ sau vài chuyến biển, ngư dân có thể lấy lại vốn đầu tư và lợi nhuận sẽ tăng đáng kể sau đó.

Với kết quả bước đầu đạt được, công nghệ lạnh thấm đang mở ra triển vọng áp dụng rộng rãi vào sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản xuống còn 10% theo chương trình của Bộ NNPTNT đề ra đến năm 2020.

Lê Sen

Báo Lao Động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!