Kiên Giang: Hiện đại hóa nghề nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với diện tích ngư trường rộng lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Nhiều thách thức

Kiên Giang có chiều dài bờ biển phần đất liền trên 200 km, hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ. Vùng biển Kiên Giang nằm trọn trong vịnh Thái Lan, có diện tích khoảng 63.290 km2. Thời tiết và thủy văn tương đối thuận lợi, ít bão, sóng gió vừa phải, môi trường nước biển cơ bản ổn định quanh năm. Đây được xem là lợi thế để phát triển ngành thủy sản đa dạng phương thức, đối tượng nuôi.

Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới. Ảnh: ST

Những năm qua, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tạo ra nguồn thu nhập khá cho người dân. 10 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi biển của Kiên Giang đạt 23.168 ha, sản lượng thu hoạch 87.214 tấn. Trong đó, nuôi cá biển có 3.837 lồng, sản lượng 2.993 tấn; nuôi nhuyễn thể ven biển, ven đảo diện tích 23.168 ha, sản lượng 84.221 tấn; nuôi trai cấy ngọc nhân tạo diện tích 100 ha, sản lượng 76.000 viên/năm.

Lồng nhựa HDPE là giải pháp khả thi để thay thế dần các lồng bè bằng gỗ truyền thống. Ảnh: KT

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh phân chia thành 2 vùng. Vùng hải đảo, gồm huyện đảo Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng… Tiếp đến, vùng ven biển, gồm các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, bố trí nuôi nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ, với các đối tượng sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, nghêu…

Mặc dù giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản với quy mô lớn, thế nhưng, thực tế cho thấy nuôi biển ở tỉnh Kiên Giang vẫn buộc lộ nhiều hạn chế so với một số địa phương khác cả về quy mô và sản lượng nuôi trồng. Điển hình như hầu hết người dân vẫn sử dụng lồng, bè theo kiểu truyền thống (bằng gỗ) nên không đảm bảo an toàn, độ bền thấp, dễ gặp rủi ro nếu có bão. Cùng đó, phương thức nuôi vẫn chủ yếu là theo thói quen và kinh nghiệm, người nuôi thường cho ăn bằng cá tạp dễ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển chưa được đầu tư đúng mức. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cá giống chất lượng. Nguồn con giống phục vụ nghề nuôi cá biển nhập từ nơi khác về nên không đảm bảo số lượng, khó kiểm soát về chất lượng.

Hiện đại hóa

Để giúp cho nghề nuôi cá lồng bè phát triển, thời gian qua, một số địa phương trên bịa bàn tỉnh Kiên Giang đã triển khai nuôi thử nghiệm lồng nhựa HDPE và tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ nuôi lồng cây truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE để đảm bảo hiệu quả. Lồng nhựa HDPE là giải pháp khả thi để thay thế dần các lồng bè bằng gỗ truyền thống, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa chống chọi tốt hơn với thiên tai. Cách làm này, suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Đặng Tùng Long, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kiên Hải chia sẻ: Phòng NN&PTNT đã tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi, tuy nhiên, kinh phí đầu tư khá cao nên chưa được nhiều người áp dụng. Về góc độ địa phương, huyện cũng kêu gọi những công ty, doanh nghiệp sản xuất lồng HDPE có cơ chế trả góp cho nông dân có thể đầu tư nhằm góp phần phát triển nghề nuôi biển. 

Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nuôi biển năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình khuyến nông thúc đẩy nuôi biển từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, ưu tiên mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật về vật liệu mới như kết cấu lồng nuôi bằng nhựa HDPE, lồng lưới chịu lực, sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời…

Khuyến khích triển khai nhân rộng phát triển liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá tạp… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định pháp luật về đăng ký, cấp phép nuôi biển, phổ biến những nội dung quan trọng của đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 cho các tổ chức và hộ dân. Cùng đó, đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá lồng bè như: đầu tư lồng nuôi, cung ứng con giống đến bao tiêu sản phẩm, sản xuất chế biến, xuất khẩu các mặt hàng từ nguồn nguyên liệu cá lồng bè được nuôi ở Kiên Giang.

Thanh Hiếu

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 7.500 lồng nuôi biển, trong đó, 1.900 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 24.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 29.870 tấn, nhuyễn thể 83.660 tấn. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển 14.000 lồng nuôi biển, trong đó, 6.600 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 25.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 105.720 tấn, nhuyễn thể 101.470 tấn.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!