Kiên Giang: Hiệu quả từ mô hình tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhiều năm qua, mô hình tôm – lúa đã giúp nhiều hộ dân tại Kiên Giang vươn lên thoát nghèo, khá giàu. Theo đánh giá, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế chủ yếu là tôm và lúa, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Thế mạnh của địa phương

Kiên Giang có đặc thù vừa chịu ảnh hưởng lũ mùa nước nổi từ sông Mê Kông vừa bị nước mặn từ biển xâm nhập. Trước đây, khi địa phương chủ yếu sản xuất độc canh cây lúa hoặc lúa – cá nước ngọt thì xâm nhập mặn luôn là thách thức lớn cho sản xuất. Từ năm 2000 trở lại đây, khi chuyển đổi sang mô hình tôm – lúa thì nước mặn chính là lợi thế để phát triển nuôi các loại thủy sản nước lợ, luân canh trên ruộng lúa, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân. Sau hơn 20 năm phát triển, người dân đã có nhiều cách làm rất sáng tạo, đưa mô hình tôm – lúa, từ một cây – một con (trồng lúa và nuôi tôm sú) thành đa cây, đa con. Mô hình tôm – lúa hiện đã trở thành hệ thống canh tác lúa – tôm.

Người dân thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình xen canh lúa. Ảnh: PV

Hiện toàn tỉnh có 447 hợp tác xã nông nghiệp với vốn điều lệ gần 282 tỷ đồng, 32.019 thành viên, diện tích sản xuất 63.021,9 ha, trong đó diện tích luân canh lúa – tôm 106.303 ha. Mô hình tôm – lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh của tỉnh, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình tôm – lúa đạt hơn 61.000 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh và hàng trăm nghìn tấn lúa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Theo đánh giá của người dân, mô hình sản xuất tôm – lúa hiệu quả hơn so độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Sản phẩm tôm và lúa thu hoạch từ mô hình kết hợp này cũng là sản phẩm an toàn, chất lượng cao, do đó được doanh nghiệp đặt hàng thu mua chế biến xuất khẩu. Nhiều hộ thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tôm – lúa thu về sản lượng từ 400 – 500 kg tôm/ha và 5 – 6 tấn lúa chất lượng cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, khá giàu.

Phát triển sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó, phát triển sản xuất tôm – lúa theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Thông tin từ Sở NN&PTNT Kiên Giang, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất tôm – lúa 117.340 ha, sản lượng tôm thu hoạch từ 70.675 tấn trở lên, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng tôm nuôi thu hoạch toàn tỉnh.

Theo đó, để đạt được mục tiêu, tỉnh sẽ tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. cùng với đó, tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm – lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – tôm ở những địa bàn có điều kiện góp nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành.

Đặc biệt, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Trong đó, chú trọng gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, tiêu thoát để nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống cống vùng nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa…

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!