T2, 06/07/2020 11:01

Kiên Giang: Khai thác “banh lông” giảm đáng kể

Chưa có đánh giá về bài viết

Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, hiện tình trạng ngư dân tự phát khai thác con “banh lông” trên ngư trường đã giảm đáng kể do thương lái gần như không còn thu mua loài thủy sản này.

Đặc biệt, ở huyện đảo Phú Quốc – nơi xuất hiện “cơn sốt” khai thác và thu mua “banh lông” những tháng đầu năm nay – tình hình đã lắng dịu.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc – những tháng đầu năm nay, vào giai đoạn cao điểm, huyện Phú Quốc có khoảng 2.000 – 3.000 tàu cá của ngư dân ồ ạt chuyển sang khai thác con “banh lông” do lợi nhuận khá cao.

Tuy nhiên, hầu hết những phương tiện này hiện đã trở lại nghề đánh bắt thủy sản truyền thống do giá “banh lông” giảm chỉ còn 80.000 – 90.000 đồng/kg, không đủ bù chi phí khai thác. Số lượng cơ sở thu mua cũng giảm hơn 50%. Đây là loài sinh vật biển có hình dạng tựa như trái banh lông, sống vùi sâu dưới bùn đáy biển nên ngư dân gọi là con “banh lông”; trước đây chưa từng được ngư dân quan tâm đánh bắt.

Thanh tra Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, việc khai thác con banh lông bắt đầu từ cuối năm 2013 trên vùng biển Cà Mau. Banh lông “bỗng dưng” được các thương lái Trung Quốc săn lùng, thu mua với giá khá cao (700.000 – 800.000 đồng/kg) nên ngư dân ồ ạt chuyển sang đánh bắt loài sinh vật biển khá lạ này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển. Vùng biển Thổ Chu, huyện đảo Phú Quốc và những ngư trường lân cận lên “cơn sốt” khai thác và mua gom “banh lông”; tập trung ở Cảng cá An Thới (huyện Phú Quốc).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác “banh lông” vì đây là loài sinh vật biển không có trong danh mục cho phép đánh bắt, hiệu quả kinh tế chưa ổn định; tác động môi trường do khai thác chưa được đánh giá. 

Phương tiện đánh bắt “banh lông” cũng chưa được đăng ký, kiểm tra kỹ thuật cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và cấp giấy phép khai thác nên nguy cơ xảy ra tai nạn lao động trên biển rất cao.

Còn theo xác định ban đầu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), “banh lông” là loài sinh vật biển thuộc nhóm động vật da gai, họ hải sâm. Việc khai thác tự phát “banh lông” thời gian qua trên vùng biển Kiên Giang sẽ gây ra những hệ lụy, hậu quả rất nặng nề do nền đáy biển bị xới tung bằng những dụng cụ cào “banh lông” mang gai sắc có tính hủy diệt cao. 

Việc cào xới nền đáy biển sẽ phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các hệ sinh thái dưới biển; nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái quan trọng bậc nhất là rạn san hô tại vùng biển Thổ Chu, dẫn đến phá hủy môi trường sinh thái, làm mất đi các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên, nơi ươm nuôi con non của hàng ngàn loài sinh vật biển khác…

Quốc Huy

Báo Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!